Xây dựng văn hóa tử tế trong môi trường làm việc


Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, việc xây dựng và kiến tạo nên một văn hóa doanh nghiệp tích cực là “vũ khí tối thượng” giúp doanh nghiệp phát triển bền vững cũng như gia tăng sự gắn bó của nhân viên đối với công ty.

Đặc biệt, với vai trò là một nhà lãnh đạo, xây dựng văn hóa tử tế là yếu tố cốt lõi mà bất kì doanh nghiệp nào cũng nên chú trọng vì nó góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nên một thương hiệu tuyển dụng mạnh. Hiểu được tầm quan trọng này, VietnamWorks cung cấp cho bạn phương pháp để tạo dựng hiệu quả môi trường làm việc nói không với “drama công sở”.
Trở thành tấm gương tốt để nhân viên noi theo
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc xây dựng văn hóa tử tế trong tổ chức của bạn. Là một người sếp, bạn cần thiết lập sự đồng bộ cho văn hóa của doanh nghiệp.
Bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng muốn tạo ra một môi trường làm việc nơi sự tử tế thể hiện cả trong cách thức công ty kinh doanh và cách đối xử với nhân viên. Nhà lãnh đạo không chỉ khuyến khích nhân viên đối xử tử tế với khách hàng, đồng nghiệp mà còn phải xem đó như là một phần trong phong cách lãnh đạo và làm việc của họ.

Bằng cách thể hiện sự tử tế đối với nhân viên, những người sếp cũng đang thể hiện sự cống hiến và tận tâm của mình trong việc xây dựng văn hóa tử tế tại nơi làm việc và cho nhân viên thấy điều đó được thực hiện như thế nào. Hơn thế nữa, vì các nhà lãnh đạo đóng vai trò then chốt trong việc dẫn đầu và củng cố văn hóa ở tất cả các cấp của doanh nghiệp, nên khi nhân viên thấy các nhà lãnh đạo đối xử tử tế với người khác, họ có nhiều khả năng sẽ làm theo.
Trở thành người cố vấn cho nhân viên
Trở thành người cố vấn, người thầy là một cách tuyệt vời để thể hiện lòng tốt của một người sếp đối với nhân viên. Điều đó cho thấy rằng bạn đang thực sự quan tâm đến hạnh phúc cũng như sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của họ. Điều này giúp xây dựng lòng tin giữa cả hai bên và làm cho tất cả những nỗ lực mà bạn đang thực hiện để kiến tạo và duy trì văn hóa tử tế trong môi trường làm việc của mình sẽ được ghi nhận và hưởng ứng nhiệt tình hơn. Niềm tin ở nhân viên sẽ giúp họ cảm thấy có giá trị và họ sẽ đối xử với những đồng nghiệp trong công ty bằng sự tử tế và tôn trọng, nói không với những “drama công sở” và môi trường làm việc “độc hại”.
Khuyến khích giao tiếp và lắng nghe nhân viên
Một nhà lãnh đạo thường xuyên hỏi thăm nhân viên, ngay cả khi tình cờ gặp họ ở hành lang (hoặc trong cuộc họp Zoom hàng tuần) cũng sẽ phần nào thể hiện sự quan tâm của người sếp dành cho nhân viên của mình. Hơn thế nữa, việc khuyến khích giao tiếp một cách cởi mở và lắng nghe tích cực giữa các nhân viên có thể giúp tạo ra một môi trường làm việc hợp tác và hỗ trợ hơn, nơi mọi người đều cảm thấy được lắng nghe và đánh giá cao.

Ngoài ra, một người nhân viên có thể nhận ra khi nào một người sếp đang thực sự hay chỉ giả vờ quan tâm đến cuộc sống của họ. Vì thế, hãy luôn thực sự lắng nghe câu trả lời và quan tâm đến đời sống của nhân viên, từ đó tạo ra môi trường làm việc tích cực và mối quan hệ giữa bạn và nhân viên cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Đảm bảo sự tử tế trong mọi trường hợp
Là một người sếp, bạn thường phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là đưa ra nhận xét của mình cho nhân viên khi có vấn đề xảy ra trong quá trình làm việc. Mặc dù những tình huống mà một người lãnh đạo phải đối diện thường không mấy dễ chịu, nhưng bạn hãy nhớ luôn áp dụng và đảm bảo sự tử tế được ưu tiên để giải quyết các vấn đề khi chúng phát sinh.

Xử lý các tình huống khó khăn bằng lòng tốt và sự đồng cảm sẽ tạo ra kết quả tốt hơn so với cách giải quyết thiếu lý trí và cho nhân viên thấy rằng hành động và lời nói của bạn không đi đôi với nhau. Hơn nữa, nếu nhân viên không cảm thấy được coi trọng, họ sẽ không cảm thấy gắn bó với công việc đang làm và sẽ tìm kiếm một công việc khác. Vì thế, để giữ cho nhân viên luôn hướng tới mục đích chung trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực, sự tử tế chính là chìa khóa quan trọng để xóa bỏ môi trường làm việc đầy “drama công sở” mà VietnamWorks sẽ chia sẻ trong bước tiếp theo.
Loại bỏ “drama công sở” trong môi trường làm việc
Ở hầu hết các công ty, drama công sở là điều không thể tránh khỏi, cho dù chúng ta có cố gắng giảm thiểu chúng đến mức nào. Ngay cả một nhân viên cũng có thể tạo ra một môi trường làm việc tiêu cực cho những người còn lại trong nhóm. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến năng suất công việc, gây nên sự căng thẳng và giảm hiệu suất làm việc của nhân viên. Môi trường làm việc độc hại, đầy drama công sở có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của nhân viên, dẫn đến căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Hầu hết, nhân viên sẽ không thể nào đối xử tử tế với đồng nghiệp trong một môi trường làm việc độc hại. Đây là lí do tại sao việc thể hiện văn hóa tử tế ở nơi công sở hàng ngày cần được tuyên truyền và khuyến khích thực hiện nhằm kiến tạo nên hình ảnh doanh nghiệp tích cực và ấn tượng tốt trong mắt nhân viên nội bộ.
Xây dựng và gắn kết nhân viên
Đội ngũ nhân viên gắn kết, hòa đồng đóng vai trò quan trọng và cần thiết đối với sự thành công của công ty, đặc biệt là trong các vai trò đòi hỏi sự hợp tác thường xuyên và làm việc qua lại giữa các phòng ban. Mặc dù ngày nay, các doanh nghiệp đang cố gắng để tạo nên một nền văn hóa nơi nhân viên tin tưởng và quý mến lẫn nhau thông qua việc tổ chức các sự kiện, hoạt động gắn bó đội ngũ nhân sự một cách công phu, tốn kém. Nhưng điều này sẽ không cần thiết hoặc không hiệu quả bằng việc tạo ra một môi trường làm việc nơi niềm tin phát triển một cách tự nhiên.
Khen thưởng lòng tốt
Như VietnamWorks đã đề cập ở trước, việc khen thưởng và công nhận những nỗ lực của nhân viên là điều cần thiết để xây dựng văn hóa tử tế trong môi trường làm việc. Điều này bao gồm việc đưa ra những nhận xét tích cực cho nhân viên và khen thưởng họ trước mọi người vì đã thể hiện sự tử tế của mình trong doanh nghiệp.

Việc khen thưởng lòng tốt còn khuyến khích các nhân viên khác tham gia và có thể giúp đặt nền móng cho văn hóa tử tế nhằm đảm bảo rằng sự tử tế luôn được gắn chặt vào chiến lược tổng thể của công ty. Qua đó, các nhân viên khác sẽ nhận thức rõ hơn về cách đồng nghiệp của họ thể hiện lòng tốt hàng ngày và sẽ truyền cảm hứng để họ làm điều tương tự trong doanh nghiệp.
Khuyến khích nhân viên thể hiện sự tử tế
Khi bạn đã kiến tạo một nền văn hóa tử tế và thể hiện sự công nhận đối với những hành động tử tế trong tổ chức của mình, hãy khuyến khích nhân viên lan tỏa lòng tốt đó ra bên ngoài tổ chức và ngoài cộng đồng của họ.

Các nhà lãnh đạo nên tạo cơ hội cho các hoạt động tình nguyện theo nhóm được diễn ra thường xuyên, theo tuần, theo tháng hoặc theo năm. Đây là một cách tuyệt vời để củng cố văn hóa tử tế với nhân viên của bạn bằng việc giúp họ thấy sự tử tế có thể giúp đỡ người khác như thế nào, không chỉ trong phạm vi doanh nghiệp mà còn cho xã hội bên ngoài.
Thực hành lòng biết ơn với nhân viên
Thực hành lòng biết ơn với nhân viên của bạn là một cách tuyệt vời khác để xây dựng văn hóa tử tế trong môi trường làm việc. Trong môi trường làm việc có nhịp độ nhanh, lòng biết ơn và sự đánh giá cao có thể làm tăng sự hài lòng trong công việc của nhân viên và thúc đẩy họ thực hiện tốt hơn. Khi nhân viên cảm thấy những nỗ lực mình cống hiến được sếp ghi nhận, họ sẽ cảm thấy được tạo cảm hứng và trở nên gắn kết với công việc của họ.

Hơn thế nữa, sự công nhận và lòng biết ơn đối với nhân viên sẽ giúp họ có nhiều khả năng tiếp tục thể hiện những hành vi tích cực, thể hiện sự tử tế với đồng nghiệp, trở thành một phần của công ty và sẵn sàng đóng góp vào mục tiêu xây dựng văn hóa tử tế trong môi trường làm việc.

Thể hiện sự đồng cảm với nhân viên của mình
Trên thực tế, hầu hết các cuộc chiến nội tâm mà nhân viên đang chiến đấu đều khó nhận ra, đặc biệt khi nói đến sức khỏe tinh thần của họ. Nhân viên thường không cảm thấy thoải mái khi nói về các vấn đề như lo lắng và trầm cảm bởi vì họ sợ phải đối diện với sự kỳ thị đến từ đồng nghiệp, nỗi lo mất việc làm, không được tin tưởng giao cho một số dự án và trách nhiệm nhất định, bị từ chối thăng chức hoặc bị sếp đánh giá gay gắt khi thảo luận về những khó khăn về tinh thần của họ. Vì thế, nhiều người quyết định đương đầu với những khó khăn này trong im lặng.

Chủ đề về sức khỏe tinh thần có thể là một chủ đề khó để nhân viên thảo luận cởi mở, nhưng lo lắng và trầm cảm có thể tác động đáng kể đến hiệu suất của nhân viên. Vì thế, thấu hiểu và kiến tạo một môi trường làm việc có văn hóa tử tế, không phán xét để nhân viên có thể chia sẻ cởi mở hơn về những vấn đề của họ sẽ giúp cải thiện cả sức khỏe tinh thần của nhân viên, giảm căng thẳng và lo lắng, đồng thời nâng cao hiệu suất làm việc của họ.
Việc xây dựng văn hóa tử tế trong môi trường làm việc đòi hỏi những nỗ lực và cam kết của mọi người trong tổ chức, không chỉ từ phía của những lãnh đạo. Một văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, không có “drama công sở” sẽ tạo nên một môi trường làm việc hạnh phúc cho các nhân viên để họ làm việc tích cực và hiệu quả hơn, góp phần thành công cho doanh nghiệp. VietnamWorks hy vọng rằng, thông qua bài viết trên đã cung cấp cho bạn một số bí quyết để xây dựng văn hóa tử tế trong môi trường làm việc, từ đó có thể dẫn đến sự hài lòng, năng suất và khả năng giữ chân nhân viên cao hơn.

theo HRinsider

DMCA.com Protection Status