Viết CV sao cho chuẩn? Những kỹ năng viết CV mà bạn cần biết
CV xin việc luôn là một tài liệu quan trọng mà bạn phải gửi đến nhà tuyển dụng khi đi xin việc. Dù đã biết đến tầm quan trọng của CV, nhưng nhiều người vẫn chưa biết làm cách nào để viết CV sao cho chuẩn, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Theo các chuyên gia tuyển dụng, nhấn mạnh vào những gì là lợi thế của mình là kỹ năng viết CV và phỏng vấn xin việc thông minh. Vậy kỹ năng viết CV ấn tượng gồm những gì? Khám phá ngay nhé!
Định nghĩa CV là gì?
CV là viết tắt của cụm từ Tiếng anh “Curriculum Vitae”, có nghĩa là bản tóm tắt về thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn, quá trình học tập cũng như các kỹ năng của bản thân để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Thông qua CV xin việc, nhà tuyển dụng sẽ biết ứng viên là ai, đến từ đâu có thành tích, chuyên môn, sở trường gì,… để cân nhắc xem ứng viên có phù hợp với tiêu chí tuyển dụng hay không. Vì thế, chuẩn bị một bản CV xin việc thật chỉn chu là yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu trên hành trình tìm kiếm một công việc như ý.
Kỹ năng viết CV ấn tượng với nhà tuyển dụng
Kỹ năng viết CV tiếng Anh hay tiếng Việt cũng đều cần chỉn chu. Điều này có nghĩa là trong bản CV gửi đến nhà tuyển dụng sẽ cần đầy đủ các mục sau: thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn, học vấn, kỹ năng, chứng chỉ, kinh nghiêm việc làm.
Với từng đối tượng, kỹ năng viết CV xin việc nhấn mạnh ở mỗi mục là khác nhau. Nếu người đã đi làm thường nhấn mạnh đến mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, kinh nghiệm làm việc thì với các bạn sinh viên mới ra trường, CV cần nhấn mạnh đến kỹ năng và học vấn mà các bạn có được. Nhưng nhìn chung, cách viết CV chuẩn sẽ như sau:
Thông tin cá nhân
Sẽ bao gồm mục: họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, email, địa chỉ liên hệ. Nhà tuyển dụng sẽ dựa vào những thông tin này để liên hệ với bạn nếu như CV đạt yêu cầu. Vì thế, bạn cần viết đầy đủ và chính xác các thông tin này. Một lưu ý nhỏ dành cho bạn là hãy để ảnh chụp rõ nét và dùng email có tên nghiêm túc.
Mục tiêu nghề nghiệp
Các nhà tuyển dụng nói rằng, họ chú ý nhiều đến phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV mà ứng viên gửi về. Vì thế, không nói quá khi kỹ năng viết CV xin việc là yếu tố quan trọng trong phần này.
Mục tiêu nghề nghiệp chính là định hướng việc làm hiện tại và tương lai của ứng viên. Mục này sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá được tính cách của ứng viên, cũng như biết được ứng viên có tinh thần cầu tiến và muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hay không.
Ở phần này bạn có thể chia ra 2 mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Với mục tiêu ngắn hạn, bạn hãy nêu những gì muốn học, muốn trau dồi trong quá trình làm việc. Đối với mục tiêu dài hạn, bạn hãy nêu những giá trị bạn tạo được cho công ty, muốn thăng tiến công việc trong tương lai cũng như sự nghiệp và có cơ hội phát triển bản thân mình qua từng ngày.
Kinh nghiệm làm việc
Kinh nghiệm làm việc được xem là phần quan trọng nhất trong một CV xin việc. Ở phần này, bạn hãy trình bày về quá trình làm việc (nếu có) của bạn đã trải qua như thế nào. Bạn đã từng làm ở công ty nào? Đã đảm nhận những vị trí nào? Bạn đã có những kinh nghiệm, thành tựu hay kỹ năng nào trong quá trình làm việc.
Kỹ năng viết CV ấn tượng được thể hiện qua cách trình bày chuẩn chỉnh, liệt kê công việc theo thứ tự thời gian, đưa các con số vào để dẫn chứng. Đồng thời mô tả ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ về những công việc mà bạn đã làm có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển.
Học vấn
Hãy viết thật ngắn gọn, rõ ràng về tên trường đại học, chuyên ngành, loại bằng và chứng chỉ bạn đã học thêm (nếu có). Nên ghi thêm giải thưởng, dự án đã tham gia và đạt thành tựu gì. Đới với những bạn sinh viên mới ra trường, bạn hãy ghi thêm học bổng đã đạt được (nếu có) trong quá trình học. Điều này sẽ là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng nếu như thành tích bạn xuất sắc.
Kỹ năng và chứng chỉ
Đây là mục khá quan trọng và không được phép bỏ qua khi bạn viết CV. Bạn hãy nêu những kỹ năng và chứng chỉ mà trong quá trình ngồi ở giảng đường hay đi làm bạn đã học được: giao tiếp tốt, lập kế hoạch tốt, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học văn phòng, và các chứng chỉ khác liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển…
Một số chú ý khi viết CV cho sinh viên mới ra trường
Ngoài các kỹ năng viết CV xin việc, để hồ sơ xin việc của bạn gây ấn tượng và lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
· Trong một bản CV sử dụng tối đa 2 kiểu chữ, những kiểu chữ chuyên nghiệp, dễ nhìn và hay được sử dụng là: Times New Roman, Arial, Tahoma, Serif. Nếu trong một bản CV có quá nhiều kiểu chữ và màu sắc lộn xộn sẽ làm nhà tuyển dụng rối mắt và rất dễ bỏ qua CV của bạn.
· Độ dài phù hợp của một bản CV xin việc cho sinh viên mới ra trường thường là 1 trang A4. Nhà tuyển dụng chỉ mất 15 – 20 giây để đọc CV của bạn. Vì vậy, CV của bạn rất dễ bị bỏ qua nếu viết quá dài, lan man và không đúng trọng tâm.
· Chắc chắn rằng mỗi vị trí tuyển dụng sẽ có những yêu cầu công việc khác nhau. Vì thế, bạn không thể dùng cùng một bản CV để nộp vào hai vị trí khác nhau được. Bạn nên nêu rõ điểm mạnh của bản thân cho phù hợp từng vị trí mà mình ứng tuyển.
Hiện nay, CV xin việc là phần không thể thiếu trong quá trình ứng tuyển tìm việc làm. Đây được coi là cánh cửa đầu tiên mà bạn phải vượt qua để chạm tay tới công việc mơ ước. Dựa vào những kỹ năng viết CV và phỏng vấn xin việc trên đây, bạn hãy đầu tư thời gian và công sức để tạo nên một bản CV thật sự ấn tượng và thuyết phục được các nhà tuyển dụng nhé!
Theo — HR Insider —