LUẬT MỚI: ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MẤY NĂM THÌ ĐƯỢC HƯỞNG LƯƠNG HƯU?

Lương hưu là mục tiêu lâu dài mà người lao động hướng tới khi đóng bảo hiểm xã hội. Vậy đóng bảo hiểm xã hội mấy năm thì được hưởng lương hưu? Câu trả lời sẽ được LuatVietnam đề cập ngay sau đây.

1. Luật 2023: Đóng bảo hiểm xã hội mấy năm thì được hưởng lương hưu?

Căn cứ Điều 219 Bộ luật Lao động hiện hành sửa đổi một số quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động muốn được hưởng lương hưu phải đóng bảo hiểm xã hội với số năm như sau:

- Người lao động làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách cấp xã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.

- Người lao động khác tham gia bảo hiểm (tính cả bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc) phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.

Ngoài việc đáp ứng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động phải đạt độ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì mới được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng.

Năm 2023, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường được xác định theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động như sau:

- Lao động nam nghỉ hưu năm 2023: Phải từ đủ 60 tuổi 09 tháng.

- Lao động nữ nghỉ hưu năm 2023: Phải từ đủ 56 tuổi.

Tuy nhiên, nếu làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm; bị suy giảm khả năng lao động; làm ở vùng đặc biệt khó khăn; làm khai thác than trong hầm lò;... người lao động còn có thể nghỉ hưu sớm hơn từ 05 đến 10 tuổi so với độ tuổi nêu trên.

2. Dự thảo Luật mới: Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm được hưởng lương hưu?

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành và tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội với nhiều thay đổi đáng chú ý về chế độ hưu trí.

Theo Điều 70 và Điều 71 dự thảo này, người lao động chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm là đã có thể hưởng lương hưu hằng tháng.

Như vậy, trong tương lai, thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương lưu đã được rút ngắn hơn hẳn 05 năm so với quy định hiện nay.

Dự kiến, dự thảo trên sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Nếu theo đúng lộ trình, Luật Bảo hiểm xã hội mới sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.

Như vậy, dự kiến từ năm 2025, người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm trở lên đã có thể hưởng lương hưu hằng tháng.

3. Đóng vừa đủ số năm tối thiểu, hưởng lương hưu bao nhiêu?

Theo quy định hiện nay, người lao động phải đóng ít nhất 20 năm bảo hiểm xã hội thì mới có cơ hội được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng; trừ trường hợp lao động nữ làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc hoạt động không chuyên trách cấp xã đóng chỉ cần đóng từ đủ 15 năm trở lên.

Căn cứ Điều 56 và Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội, với thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở mức tối thiểu, người lao động sẽ được nhận mức lương hưu như sau:

- Lao động nữ làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc hoạt động không chuyên trách cấp xã đóng đóng tối thiểu 15 năm bảo hiểm xã hội:

Mức hưởng lương hưu hằng tháng = 45% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

- Lao động nữ đóng tối thiểu 20 năm bảo hiểm xã hội:

Mức hưởng lương hưu hằng tháng = 55% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

- Lao động nam đóng tối thiểu 20 năm bảo hiểm xã hội:

Mức hưởng lương hưu hằng tháng = 45% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

Lưu ý: Trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động thì mức hưởng lương hưu sẽ bị giảm trừ. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, người lao động sẽ bị trừ 2% vào tỷ lệ hưởng.

theo luật việt nam.vn

DMCA.com Protection Status