Quản trị nhân sự: 8 dấu hiệu cho thấy bạn đã sẵn sàng được thăng chức
“Làm sao để chọn nhà quản lý tương lai cho chính xác?” là câu hỏi khiến nhiều nhà quản trị đau đầu. Bởi nhiều doanh nghiệp mắc sai lầm khi cất nhắc người có thâm niên lâu năm lên vị trí quản lý mà bỏ qua các yếu tố năng lực và tố chất lãnh đạo. Vậy bạn đã có đủ những yếu tố cần để được thăng chức lên vị trí mới chưa ? Hãy cùng kiểm tra xem mình đã có đủ 8 dấu hiệu sau để trở thành nhà quản lý tương lai chưa nhé.
Bạn có tố chất lãnh đạo
Một nhà quản lý có thể không quá xuất sắc về chuyên môn nhưng tố chất lãnh đạo buộc phải có. Bởi hơn 80% công việc hàng ngày của họ là đưa ta phương hướng dẫn dắt tập thể cùng nhau phát triển. Những người có tố chất lãnh đạo luôn được đồng nghiệp tin tưởng và xin ý kiến khi gặp khó khăn. Bởi những người xung quanh luôn tin vào khả năng giải quyết vấn đề của họ. Nếu bạn là một “địa chỉ uy tín” để đồng nghiệp tìm đến khi gặp vấn đề nan giải, chứng tỏ bạn có khả năng giải quyết vấn đề và khả năng lãnh đạo tốt.
Bạn có khả năng liên kết mọi người
Sức mạnh tập thể luôn có tác động to lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chính vì thế khẩu ngữ “Đoàn kết là sức mạnh” luôn là tiêu chí để nhiều công ty ra sức hướng nhân viên mình noi theo. Những hoạt động ngoài trời, sự kiện hội nhóm,.. được đưa ra nhằm tạo cơ hội cho nhân viên hiểu để hỗ trợ tốt hơn về mặt công việc. Điều đó rất đúng, bởi được lòng người ắt có được thiên hạ. Khi bạn có mối quan hệ tốt, công việc sẽ diễn ra trơn tru hơn. Ngoài ra, người có mối quan hệ tốt biết tận dụng và liên kết sức mạnh đó trong công việc sẽ đạt hiệu quả cao trong công việc. Vì thế, khả năng kết nối mọi người lại với nhau là yếu tố cần phải có của nhà lãnh đạo để dẫn dắt tập thể.
Tinh thần học hỏi
Kiến thức là kho tàng bất tận. Để không bị tụt hậu, bạn phải biết cách không ngừng phấn đấu học hỏi và trau dồi bản thân ngày một sắc hơn. Có như thế bạn mới đủ năng lực lãnh đạo cấp dưới của mình. Bởi chúng ta không thể thao thao bất tuyệt nói về cách thức đạt doanh số cao với cái đầu rỗng tuếch. Nếu không muốn bị biến thành bù nhìn hay trò hề trong mắt cấp dưới, đừng quên rèn luyện và thường xuyên cập nhật kiến thức mới nhé.
Trách nhiệm với công việc
Để trở thành nhân viên giỏi, bạn phải có trách nhiệm với công việc của mình. Đứng ở vị trí quản lý, bạn không chỉ chịu trách nhiệm với nhiệm vụ của mình; bạn cần phải có trách nhiệm với chính cấp dưới của mình. Bởi bạn chính là kim chỉ nam dẫn dắt mọi người noi theo. Càng ở vị trí cao, chúng ta càng có trách nhiệm tương ứng với nó. Bởi thế sức nặng của vương miện không phải ai cũng chịu nổi. Nếu muốn trở thành nhà quản lý tốt, đầu tiên hãy học cách tự chịu trách nhiệm với công việc của mình. Từ đó, hãy tự rèn luyện khả năng tự ý thức và nâng cao trách nhiệm của chính mình. Bởi đây là yếu tố cần thiết để cấp dưới tin tưởng và nể bạn.
Khả năng giao tiếp tốt
Không phải tự nhiên người ta luôn coi khả năng giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu. Bởi ở bất kỳ vị trí nào, người có khả năng ăn nói luôn đạt được thành công dễ dàng. Khả năng trò chuyện tốt giúp kết nối mọi người và trao đổi công việc thuận lợi hơn. Chính vì thế, tôi luôn cho rằng đây không đơn thuần là một kỹ năng, nó được xem như một loại năng lực cần thiết của nhà lãnh đạo tương lai.
Chấp nhận đương đầu với khó khăn
Trong bài hát của Trọng Tấn có câu “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” như một lời cảnh tỉnh cho những ai thích sống an nhàn. Nếu chấp nhận cuộc sống đó, đừng hỏi tại sao bạn chưa thành công ? Đừng buồn khi sự nghiệp không khởi sắc. Bởi không có thành công nào là dễ dàng, chính những khó khăn vấp phải mới cho ta cảm nhận rõ vị ngọt của thành công. Vì thế, khi đương đầu với gian nan, bạn đừng thói chí và hãy xem đó là một cơ hội rèn luyện cho bản thân mình.
Thái độ làm việc chuyên nghiệp
Khi gặp phải vấn đề khó, thay vì tìm cách giải quyết; nhiều người thường suy nghĩ bỏ cuộc hay phàn nàn bị giao việc khó. Nhiều trường hợp buông xuôi hoặc giải quyết qua loa vì cho rằng việc đó không dễ hoàn thành dù không làm xong cũng chả sao. Chính những suy nghĩ tầm thường đó khiến bạn mãi không phát triển lên được.
Thay vì phàn nàn về công việc, bạn có thể tập trung để tìm cách xử gọn chúng. Nếu bạn có khả năng giải quyết tốt, đây là cơ hội để bạn chứng minh năng lực với cấp trên. Bạn xứng đáng được tăng lương tương xứng hoặc được cân nhắc lên vị trí cao hơn. Ngược lại, những người nhận việc với thái độ tiêu cực thường khó hoàn thành việc. Vì thế, họ mãi luôn tàng hình trong mắt sếp. Không ai thích giao việc cho người không có năng lực xử lý. Từ đó, cơ hội thăng tiến của bạn sẽ bị thu hẹp đi.
Đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân
Một lãnh đạo tốt luôn biết hy sinh cái tôi riêng để hoàn thành lợi ích tập thể. Những nhân viên tiềm năng sẽ luôn nhìn nhận vấn đề theo hướng lợi ích chung cho mọi người. Họ biết lắng nghe và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung. Vì thế người có được phẩm chất này sẽ khiến người khác kính nể và tin tưởng.
Việc cân nhắc một người lên vị trí quản lý cần phải xem xét tố chất lãnh đạo từ cá nhân đó. Nếu bạn còn suy nghĩ “chọn mặt gửi vàng” cho người có thâm niên lâu bỏ qua yếu tố tiềm năng, không khéo sẽ đi lại vết xe đổ của doanh nghiệp khác. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định, bởi một nhà quản lý tốt ảnh hưởng đến sự tồn vong của một doanh nghiệp. Hy vọng với những chia sẻ này sẽ giúp bạn tự kiểm tra và rèn luyện bản thân mình trở thành nhà quản lý tốt trong tương lai.
Theo Hrinsider