Góc công sở: Mâu thuẫn với sếp ở công ty cũ Làm sao trả lời cho khéo trong lúc phỏng vấn?
Hiện nay, nhiều trường hợp bất đồng ý kiến dẫn đến nghỉ việc không phải là hiếm. Nhiều nhà tuyển dụng cố tình đưa ứng viên vào thế khó khi hỏi “Bạn có từng xảy ra mâu thuẫn với sếp cũ hay không?” nhằm khai thác tính cách và thái độ ứng xử của ứng viên. Nếu gặp phải câu hỏi hóc búa này, đâu sẽ là câu trả lời khôn khéo giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng? Hãy cùng VietnamWorks tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Muôn vàn câu hỏi khó nhằm sàng lọc ứng viên
Chúng ta vốn biết phỏng vấn là hình thức lựa chọn ứng viên phù hợp nhất cho doanh nghiệp. Vì thế, nhiều nhà tuyển dụng không ngần ngại đặt ra nhiều tình huống khó nhằm thử thách từ nghiệp vụ đến thái độ ứng xử của người mới. Dẫu biết môi trường cũ phải có nhiều bất cập mới khiến nhân viên quyết định dứt áo ra đi. Tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng vẫn muốn hỏi về môi trường cũ nhằm khai thác thêm thông tin khác từ ứng viên.
Chúng ta có thể bắt gặp những câu hỏi về công ty cũ như: Mức lương ở công ty cũ như thế nào? Bạn có từng gặp phải tình huống khó xử nào và cách xử lý ra sao? Bạn có mâu thuẫn với đồng nghiệp cũ hay không ? Bạn có bất mãn gì về sếp cũ không? Và sự thật là hầu hết nhà tuyển dụng thường hay đặt ít nhất một câu hỏi về công ty cũ. Nếu bắt gặp dạng câu hỏi này, bạn cũng không cần quá ngạc nhiên. Bởi đây là dạng câu hỏi nhằm khai thác thông tin về tính cách và thái độ xử lý tình huống của bạn. Liệu bạn có giải quyết tốt vấn đề và tình huống này có lặp lại ở công ty mới không? Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ quyết định bạn có phù hợp với môi trường mới hay không.
Vì thế, câu hỏi mang tính chất kể lại những việc đã xảy ra nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phỏng vấn của bạn. Làm sao để trả lời câu hỏi khó trên là cả một nghệ thuật không phải ai cũng biết.
Mẹo trả lời câu hỏi về sếp ở công ty cũ bạn nên biết
Ngày nay, những câu hỏi về thông tin ở công ty cũ không còn quá xa lạ với ứng viên. Một trong những câu hỏi đơn giản nhưng đầy cạm bẫy “ Bạn không hài lòng gì về sếp cũ ?” lại đủ khiến ứng viên bị “Knock out” khỏi vòng phỏng vấn tiếp theo.
Bởi nhiều người cho rằng câu hỏi này là thời cơ để mình trút hết những bực dọc và mọi bất mãn trong lòng đối với sếp cũ. Nếu bạn đang suy nghĩ như thế, bạn đã nhầm to! Bởi người phỏng vấn hôm nay có thể là sếp của bạn ngày sau. Họ phải nghe nhiều điều nói xấu của bạn về cấp trên cũ sẽ khiến họ đặt nghi vấn “Liệu sau này bạn sẽ nói xấu họ với người khác như vậy ?” Ngược lại, nếu bạn trả lời không có bất kỳ mâu thuẫn nào chứng tỏ câu trả lời hời hợt và không mang tính chân thực. Bởi mỗi người với tính cách và phong cách làm việc khác nhau khó tránh khỏi những ý kiến bất đồng. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng không quan tâm đến mâu thuẫn đó là gì, họ chỉ muốn biết cách bạn xử lý và thái độ của bạn thông qua câu chuyện đó. Bởi họ cũng đang ở cương vị là sếp. Vì thế, họ muốn biết cách ứng xử và suy nghĩ của bạn như thế nào nếu có cơ hội làm việc cùng. Đối với dạng câu hỏi này, bạn nên tìm ra câu trả lời theo hướng tích cực những trải nghiệm bạn đã trải qua như sau:
Trung thực nhưng không thái quá
Nên nhớ, nhà tuyển dụng thừa kinh nghiệm để nắm thóp được câu trả lời không thành thực của bạn. Vì thế, chúng ta không nên nói “Không có mâu thuẫn với sếp cũ” bởi đó là câu trả lời thiếu trung thực. Thay vì than phiền và nói xấu sếp cũ, bạn có thể nêu cảm nhận một cách khách quan nhất, cụ thể như:
Sếp cũ của tôi là lãnh đạo tuyệt vời vì sếp luôn quan tâm đến nhân viên. Tôi khá hòa hợp khi làm việc cùng cấp trên cũ. Tuy nhiên, tôi không thích cách sếp đưa công việc gấp quá trễ khiến tôi phải chạy deadline gấp rút.
Qua câu trả lời trên, chúng ta trình bày vấn đề không hài lòng sếp cũ theo hướng tôn trọng và vẫn trả lời được trọng tâm của câu hỏi.
Hãy luôn tích cực
Mỗi một trải nghiệm trong công việc đều đem đến cho chúng ta một bài học quý giá. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy tinh thần lạc quan và suy nghĩ của bạn theo chiều hướng tích cực. Như ví dụ trên, bạn có thể kể trải nghiệm không mấy tốt đẹp của mình theo hướng tích cực hơn.
Tuy tôi không thích cách sếp giao công việc phải hoàn thành gấp thường xuyên, nhưng tôi học được cách làm việc với áp lực cao và ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống. Thay vì để bản thân bị quá tải, tôi tự sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên để giải quyết. Đó là một thách thức giúp tôi rèn luyện bản thân mình hơn.
Thông qua câu trả lời này, bạn đã giải quyết được bài toán khó nhà tuyển dụng đặt ra và ghi điểm bởi cách xử lý công việc thông minh. Điều đó chứng tỏ bạn có khả năng cân việc và lạc quan trước mọi tình huống.
Dù lựa chọn cách trả lời nào, bạn tuyệt đối không nên để nhà tuyển dụng cảm thấy mình ghét sếp cũ. Đừng nói những lời quá tiêu cực mà hãy tập trung thể hiện bạn nhiệt huyết và học hỏi được gì qua những trải nghiệm trên. Không có bất kì ai là hoàn hảo cả, chỉ là bản thân chúng ta phối hợp xử lý vấn đề cùng người khác sao cho hoàn hảo hơn.
Chúng ta nên xem công việc giống như tình yêu. Hãy tập trung thể hiện đam mê và mình yêu thích công việc đó ra sao. Trong mọi tình huống tiêu cực đều tìm được cách giải quyết tích cực nhất. Thông qua đó, bạn sẽ thể hiện được năng lực và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng bằng cách ứng xử khôn ngoan nhất. Với những chia sẻ trên, hy vọng sẽ đem đến cho các bạn thêm “tips” để vượt qua được câu hỏi khó khi phỏng vấn.
Theo Hrinsider