Góc công sở: 5 cách cư xử ứng biến với từng loại người chốn công sở
Tôi từng nghe vài câu nói bông đùa “Môi trường công sở chẳng khác nào ngôi nhà thứ hai”. Bởi chúng ta phải dành ⅓ số giờ mỗi ngày tại nơi làm việc. Tuy nhiên, nơi này cũng tập hợp nhiều người với đa dạng tính cách khác nhau. Nếu không biết nhận dạng và cư xử cho phù hợp sẽ khiến bạn rơi vào rắc rối khôn lường. Để không biến thành “nai vàng ngơ ngác”, tuyệt đối đừng bỏ qua những quy tắc ngầm cư xử ứng với từng kiểu người dưới đây nhé.
Môi trường công sở vốn luôn có nhiều khó khăn và cạnh tranh nhất định. Để tồn tại lâu dài, ngoài năng lực vượt trội; ứng xử khôn ngoan là yếu tố quan trọng giúp bạn đứng vững ở môi trường này.
Một trong những sai lầm hay mắc phải, chúng ta vẫn lầm tưởng chỉ cần chân thành đối đãi với đồng nghiệp là đủ. Nhưng trong cái “xã hội thu nhỏ” này, ai cũng đang tìm kiếm cơ hội phát triển cho mình. Điều đó đồng nghĩa với việc sự cạnh tranh khốc liệt vẫn không ngừng diễn ra hàng ngày. Nếu bạn không đủ sắc sảo nhìn rõ tính cách từng người để cư xử phù hợp, vô tình biến bạn thành “cừu non” giữa chốn công sở. Để không phải lạc lõng tại chính nơi này, hãy cùng tôi tìm hiểu sâu hơn năm quy tắc vàng ứng xử phù hợp với từng kiểu người sau đây nhé.
Người hai mặt
Người xưa có câu “ Sông sâu dễ đo, lòng người khó lường”. Kiểu người hai mặt thường sẽ tỏ ra thân thiện trước mặt bạn, nhưng sau lưng lại cư xử hoàn toàn ngược lại. Kiểu người này thường rất khó đề phòng, bởi vẻ ngoài thánh thiện như vỏ bọc hoàn hảo cho hành động phía sau kia. Đặc điểm của kiểu người này là nói một đường làm một nẻo.
Đây là kiểu người thường xuất hiện trong cuộc sống và môi trường công sở. Họ tạo ra vẻ ngoài thân thiện, quan tâm chúng ta nhưng thực chất không phải vậy. Để nhận biết rõ tính cách thứ hai này từ họ, bạn nên dành thời gian tìm hiểu trước khi tạo mối quan hệ thân thiết với họ. Bởi bất kì vỏ bọc nào đều có lỗ hỏng, kẻ thích nói xấu sau lưng không sớm thì muộn cũng bị đồng nghiệp quay lưng.
Đối với kiểu người này, bạn không cần quá tuyệt giao. Nhưng tuyệt đối không trao bí mật của mình cho họ biết nếu không muốn điều đó trở thành điểm yếu chí mạng của mình. Bạn nên cư xử lịch sự, đặt ra giới hạn mối quan hệ với họ, đừng để đồng nghiệp lắm chuyện này có cơ hội cạnh khóe bạn.
Người vong ân bội nghĩa
Kiểu người ăn cháo đá bát thường không nhớ đến ân nghĩa người khác cho mình. Họ thường có xu hướng đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, sẵn sàng triệt hạ người cản bước tiến của mình. Đây là kiểu người tuyệt đối phải tránh xa. Bởi bạn có thiện chí giúp đỡ họ bao nhiêu cũng đừng mong sự báo đáp đến từ họ.
Trong môi trường làm việc, dạng người này có tính cạnh tranh rất cao và bất chấp để đạt được mục đích. Bạn có thể để ý cách cư xử của họ đối với đồng nghiệp xung quanh, hay họ có thái độ gì với người từng giúp đỡ mình. Khi đã nhận dạng được kiểu người này, hãy tránh xa họ càng xa càng tốt. Bởi trong mắt họ không tồn tại điều gì ngoài lợi ích cá nhân.
Người ba phải
Đây là kiểu người “gió chiều nào xuôi theo chiều đó”. Họ hoàn toàn không có lập trường của riêng mình. Nơi nào có lợi ích, họ sẽ nghiêng về hướng đó. Dù trong cuộc sống hay công việc, bạn cũng không thể đặt niềm tin vào những người này.
Bạn có thể dễ dàng nhận dạng họ thông qua cách cư xử hàng ngày. Kiểu người này không có chính kiến và hay hùa theo người khác không cần biết đúng sai. Đối với đồng nghiệp này, bạn không cần dành thời gian cho họ. Bởi mọi cố gắng kết thân cũng đều không đem đến lợi ích hay tình bạn chân thành nào.
Người nịnh hót
Đây là kiểu người thích kết giao với người khác vì quyền lợi. Trong môi trường công sở, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp kiểu người này. Họ thường có xu hướng nịnh hót cấp trên hay những người có quyền lực hơn mình. Mặt khác, họ tỏ ra khinh thường người yếu thế hơn mình. Kiểu người này dễ hợp vì quyền lợi, cũng dễ tan khi bạn không còn giá trị lợi dụng.
Đối với những kẻ lòng tham không đáy này, nếu bạn không có điểm gì nổi bật tốt nhất nên tránh xa nếu không muốn nhận ánh mắt khinh thường từ họ.
Người tiêu cực
Đây là kiểu người thường gieo rắc suy nghĩ tiêu cực cho người khác. Họ thường có xu hướng than vãn, không hài lòng với tất cả. Làm việc với dạng người này, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi bởi năng lượng tiêu cực từ họ tỏa ra sẽ ảnh hưởng đến bạn.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết kiểu người này thông qua lời nói của họ. Làm việc với họ, bạn chỉ có thể nhận về thất bại. Bởi khi chưa bắt đầu, họ đã cảm thấy khó khăn thay vì tìm kiếm cơ hội.
Nếu bạn có ý định học hỏi cùng phát triển, hãy loại bỏ đồng nghiệp tiêu cực này ra khỏi danh sách lựa chọn ngay nhé.
Dù gặp phải kiểu người nào trong năm tuýp người trên, bạn tốt nhất đừng phí thời gian với họ. Tuy nhiên, chúng ta không cần tuyệt giao quá mức. Bởi trong môi trường tập thể khó tránh khỏi những tình huống cần chào hỏi xã giao. Chỉ cần bạn nhớ kỹ, hãy im lặng một thời gian tìm hiểu tính cách từng người trước khi kết bạn với họ. Bước đi này sẽ giúp bạn tìm được đồng minh đúng nghĩa cùng kề vai sát cánh nhau trong công việc.
Với từng kiểu tính cách trên, ai trong chúng ta chẳn hẳn trong đời đều từng gặp phải. Bạn không thể cứ mãi tìm cách trốn tránh, hãy học cách đối diện và “xử đẹp” đồng nghiệp lắm chiêu này. Suy cho cùng, công ty là nơi làm việc của những người chuyên nghiệp. Kiểu đồng nghiệp “khó chiều” trên không sớm thì muộn cũng bị đào thải khỏi chốn công sở. Thay vì tìm cách trốn chạy, bạn hãy học cách nhận biết và cư xử chuẩn mực với đồng nghiệp. Hãy chú ý quan sát và chọn cách ứng xử phù hợp với từng người, từng hoàn cảnh. Đó mới là cách cư xử khôn ngoan của nhân viên chuyên nghiệp.
Sưu tầm