Nghề nhân sự: Thế nào là “chiếc cầu nối” giữa người lao động với doanh nghiệp của người làm nhân sự
Ngày tập tãnh vào nghề, tôi ngầm hiểu “chiếc cầu nối” là sự truyền tải thông tin của người lao động đến người sử dụng lao động, thông qua người làm công tác nhân sự như tôi
Hôm đó, tôi bước vào phòng sếp, tự tin tường trình với sếp rằng: Thưa sếp, hôm qua cô Huyền - Phòng Dự Án nộp đơn xin nghỉ việc, lý do mà cô ta đưa ra là do lương thấp, cô ấy đề xuất: Nếu công ty muốn cô ấy tiếp tục hợp tác thì công ty phải tăng lương cho cô ấy là 30%.
Sếp chăm chú nghe tôi nói rồi ông hỏi: giờ tính sao?
Tôi bình thản trả lời: Thì vậy đó sếp, nếu sếp muốn người ta ở lại thì sếp tăng 30% lương cho người ta
Bỗng sếp thay đổi sắc mặt, trở nên tức dận rồi ông hét vào mặt tôi: Tôi không cần cô làm phiên dịch (sếp tôi là người nước ngoài), tôi đã có phiên dịch riêng của tôi, cô ra ngoài. Get out, get out of here…
Tôi bước ra khỏi phòng, lòng bực bội, đầu óc quay cuồng … Tôi không hiểu tại sao ông lại nổi cáu với mình, rõ ràng tôi đã làm đúng chức năng là cầu nối truyền tải thông tin của người lao động đến với sếp ?.
Vừa buồn, vừa bực ... nhưng tôi cũng cố lên mạng tìm hiểu thêm thông tin về vai trò của người làm nhân sự trong chức năng là chiếc cầu nối cụ thể là thế nào ? , sau 1 tuần tìm tòi, tôi bắt đầu lại công việc của mình
Trước tiên, tôi xem xét kỹ lại hồ sơ cá nhân của cô Huyền – phòng dự án, ngày cô ấy vào làm, kết quả đánh giá hàng năm …. mối quan hệ của cô ấy với đồng nghiệp cùng phòng và các phòng ban khác trong quá trình làm việc…
Sau đó, tôi có một buổi làm việc lại với trưởng phòng dự án - cấp quản lý trực tiếp của cô Huyền để tìm hiểu và phân tích về điểm mạnh và điểm yếu của nhân viên Huyền trong công việc
Tiếp đến, tôi cùng chị trưởng phòng phân tích và đưa ra con số cụ thể, nếu như nhân viên Huyền nghỉ việc thì thiệt hại về doanh số cho phòng dụ án một năm là bao nhiêu. Sau cùng tôi xin ý kiến của trưởng phòng dự án (bằng email xác nhận) về việc chị ấy có muốn giữ nhân viên Huyền hay không, lý do tại sao?
Qua tuần, tôi sắp xếp một buổi càfe với cô Huyền, chúng tôi chia sẻ nhiều khía cạnh từ gia đình, bạn bè, học vấn, định hướng tương lai … Sau cuộc nói chuyện, tôi phần nào đã hiểu hơn về cô ấy và hiểu rõ lý do tại sao cô Huyền lại tự tin đề xuất tăng 30% lương
Cuối tuần, tôi bước vào phòng sếp, trên tay có đầy đủ hồ sơ cho việc giải trình. Từng bước một, tôi phân tích cho sếp thấy việc công ty sẽ có lợi gì khi giữ cô Huyền lại, và cũng nêu rõ các rủi ro khi đưa người mới vào
Tôi trình bày và nhấn mạnh rõ nét về việc cấp quản lý trực tiếp của cô Huyền mong muốn giữ nhân viên lại với đính kèm là bảng phân tích chi tiết về doanh số hàng năm mà cô Huyền mang về cho phòng dự án
Thêm vào đó là các điểm cộng của cô Huyền như: có mối quan hệ làm việc tốt với các nhân viên trong phòng, kết hợp hài hoà với các phòng ban khác cùng công ty, siêng năng, trách nhiệm luôn đúng giờ … Và đặc biệt hơn với vốn ngoại ngữ thông thạo, nhân viên Huyền tiếp cận được nhiều mối quan hệ với khách ngước ngoài ….
Tôi mở ra định hướng về nhân sự Huyền với sếp tôi. Đã đến lúc chúng ta nên cân nhắc tăng chức cho cô ấy vào vị trí Chuyên viên dự án, ở vị trí và mức lương mới chúng ta trao thêm cho cô Huyền một số trách nhiệm lớn hơn như mở rộng doanh số, hổ trợ trưởng nhóm trong việc giám sát và đào tạo nhân viên mới … mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp cho cô Huyền, với tính cách ham học hỏi và cầu tiến nhất định cô ta sẽ làm tốt và cống hiến lâu dài, về phía doanh nghiệp đây là cơ hội cho công ty trong việc xây dựng và phát triển một trưởng nhóm hay trưởng phòng trong tương lai
Tôi có giải trình thêm với sếp, sau cuộc nói chuyện của tôi với cô Huyền, phần nào cô ấy cũng định vị được năng lực của bản thân cần có sự cố gắng trong tương lai, đồng thời hiểu hơn về tình hình của công ty, nên cô ấy đồng ý với mức điều chỉnh lương là 20% thay vì 30% như ban đầu
Sau khi nghe phân tích, sếp liền nở nụ cười và bảo: Đây là điều tôi mong muốn nhất từ phòng nhân sự. Ngay sau đó, sếp đã đặt bút ký duyệt cho việc tăng lương và tăng chức cho nhân viên Huyền.
Vậy đó, vai trò của người làm công tác nhân sự trong việc là “ Chiếc cầu nối” giữa doanh nghiệp và người lao động không chỉ đơn giản là việc truyền tải thông tin, nhưng chúng ta phải có những phân tích dựa trên các thông tin, từ đó đưa ra các giải pháp và hướng giải quyết cho doanh nghiệp.
Việc giải quyết tình huống một cách thấu tình đạt lý cân bằng lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp là giá trị quý báu và cốt lỗi trong khái niện “ Chiếc cầu nối” ở người làm công tác nhân sự.
Maria Tran