Quản trị nhân sự: Quản trị cảm xúc không đồng nghĩa với việc bạn phải dấu đi cảm xúc thật của mình
Ngày nay có rất nhiều khoá học, các thông tin trên mạng hướng dẫn về việc quản trị cảm xúc
Nhìn chung, các hướng dẫn này đều hay, bổ ích và ý nghĩa… tuy nhiên cũng có một số bài giảng chưa truyền đạt đầy đủ về nội dung này, bên cạnh đó một số bạn khi học xong nhưng chưa hiểu đúng hoặc hiểu đúng nhưng chưa thực thi đúng
Ngoài việc nắm vững lý thuyết thì việc trải nghiệm và vận dụng các kiến thức mình đã học vào các tình huống thực tế rồi đúc kết cho bản thân một kinh nghiệm đúng đắn trong quản trị cảm xúc của mình là hết sức quan trọng và cần thiết
Có rất nhiều ứng viên khi tôi phỏng vấn họ đều nói với tôi rằng họ bị áp lực vì đồng nghiệp, cấp trên … hay họ không làm chủ được cảm xúc của mình …. Rồi họ rơi vào trạng thái stress và cuối cùng là phải nghỉ việc. Cứ như vậy, hết lần này qua lần khác họ phải nghỉ việc từ công ty này đến công ty khác nhưng không biết lý do từ đâu và không tìm ra được hướng giải quyết cho bản thân mình
Hẳn bạn đã từng nghe câu: “Cuộc đời này ngắn ngủi lắm, bạn hãy làm những gì bạn thích” vậy ngay trong chính bản thân mình bạn đã nhận ra được điều mình thích chưa? Cảm xúc thật trong con người của bạn là gì? Những người xung quanh bạn nghĩ như thế nào về bạn, họ có hiểu được cảm xúc và mong muốn của bạn chưa …?
Quản trị cảm xúc nghĩa là các hành vi của bạn được điều chỉnh và thể hiện sao cho đúng đắn và phù hợp với từng thời điểm, sự vật, sự việc … giúp bạn đạt được mong muốn của mình
Ví dụ: Một đồng nghiệp cùng phòng với bạn luôn cố tình trì hoãn hoặc gây khó khăn cho bạn trong việc cung cấp số liệu để bạn làm tổng hợp báo cáo? vậy trong trường hợp này bạn sẽ làm gì?
Hướng 1: Bạn sẽ tạo mối quan hệ tốt đẹp với người này, vui vẻ thân thiện tạo thiện cảm để rồi khi bạn cần số liệu bạn đồng nghiệp sẽ cung cấp cho bạn
Hướng 2: Sau khi quan sát, tìm hiểu và đã từng trải nghiêm nhiều lần, bạn nhận ra rằng người bạn đồng nghiệp của bạn là kẻ thích bắt nạn, những ai tỏ ra nhỏ nhẹ thân thiện thì càng bị cô ấy chây lười và tỏ ra hống hách trong việc hợp tác. Từ đó, bạn thay đổi cách làm việc của mình một cách rõ ràng và rành mạch hơn bằng cách gửi email thông báo lần thứ nhất cho người đồng nghiệp nhắc nhở họ đến ngày đó phải cung cấp số liệu cho bạn, đã đến ngày nhưng người đồng nghiệp này vẫn chưa cung cấp dữ liệu, bạn tiếp tục gửi email lần 2 yêu cầu họ cung cấp và nêu rõ nếu cô ta cung cấp dữ liệu trễ thì bạn sẽ gửi thông báo đến sếp của họ và các bên liên quan, cũng như yêu cầu họ chịu trách nhiệm cho việc chậm trễ này
Nếu bạn biết phân tích dựa vào tình huống, con người và yêu cầu của công việc, cũng như đưa ra hướng giải quyết, thái độ khi giải quyết thì chắc chắn bạn sẽ đạt được mong muốn của mình và quan trọng hơn sẽ giúp bạn không bị rơi vào trạng thái bế tắc trong công việc
Do vậy, quản trị cảm xúc là việc bạn phân tích và sử dụng cảm xúc của mình làm sao cho đúng với hoàn cảnh và yêu cầu, vận dụng linh hoạt kỹ năng “Cương” & “Nhu” đúng lúc, đặc biệt cảm xúc của bạn phải luôn đồng thuận với thông điệp bạn gửi đi để cho đối phương hiểu rõ bạn đang cần gì có như vậy cả hai sẽ cùng có hướng giải quyết phù hợp
Chúc bạn thành công, nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc quản trị cảm xúc thì hãy để chúng tôi đồng hành cùng bạn nhé!
Maria Trần