BHXH: Ngừng việc, tạm hoãn HĐLĐ có được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116?
Nhiều NLĐ đang thắc mắc rằng mình đang ngừng việc, tạm hoãn HĐLĐ vì dịch Covid-19 có được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP hay không? Bài viết sẽ giải đáp thắc mắc cho vấn đề này.
Người lao động ngừng việc do dịch bệnh
Theo hướng dẫn tại Công văn 264/QHLĐTL-TL, NLĐ ngừng việc do ảnh hưởng của Covid-19 thuộc các trường hợp sau thì sẽ được trả lương ngừng việc:
(1) NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
(2) NLĐ phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
(3) NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
(4) NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Ngoài ra, khoản 8 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
8. Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Như vậy, trong thời gian ngừng việc, NLĐ vẫn được hưởng lương nên người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc. Nghĩa là NLĐ vẫn đóng BHTN trong thời gian ngừng việc.
Tại Nghị quyết 116/NQ-CP nêu rõ:
Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
Có thể hiểu, NLĐ chỉ cần đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 thì sẽ nhận được hỗ trợ. Nghĩa là NLĐ ngừng việc có thể nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 116.
Tuy nhiên, Theo quy định tại Điều 99 Bộ Luật lao động 2019 thì trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Như vậy, từ ngày thứ 15 trở đi thì NLĐ và NSDLĐ có thể thỏa thuận việc trả lương. Do đó, mức lương thỏa thuận có thể là bằng không (hiểu là nghỉ không lương).
Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
Như vậy, vẫn có trường hợp NLĐ ngừng việc không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN
Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động vì dịch
Khi tạm hoãn HĐLĐ, quyền lợi của người lao động sẽ được quy định tại khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ thì NLĐ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động (trừ trường hợp có thỏa thuận khác). Đồng nghĩa với việc NLĐ sẽ không đóng BHTN trong thời gian này.
So sánh với đối tượng nhận hỗ trợ tại Nghị quyết 116, nếu tính đến 30/9/2021, NLĐ đang trong thời gian tạm hoãn hợp đồng thì sẽ không được nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Sưu tầm