Nghề 'săn đầu người'
Người làm nghề tuyển dụng nhân sự cấp cao (headhunter) nói đây là nghề "dành cho trái tim sắt đá" bởi không bao giờ biết điều gì chờ đợi mình ngày hôm sau.
Đã vài năm nhưng Quỳnh Hương, 30 tuổi, một headhunter (thợ săn đầu người) vẫn chưa thể quên được cảm giác sung sướng khi hoàn thành một thương vụ khó là tuyển phó giám đốc tài chính cho một công ty khách hàng.
Yêu cầu đặt ra là ứng viên phải có chuyên ngành CNTT, có chuyên môn về kiểm toán, từng làm cho một công ty thuộc nhóm Big 4 (bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới là Ernst & Young, PwC, Deloitte, KPMG). Khách hàng còn cần một nhân sự có kinh nghiệm tư vấn, tái cấu trúc phòng ban, từng làm quy mô tập đoàn tối thiểu 500 người.
"Thợ săn đầu người" này ngoài tìm ứng viên trên LinkedIn, mạng xã hội, còn vận dụng nhiều công cụ nội bộ và các kỹ năng khác và lọc được 20 hồ sơ trước khi phỏng vấn 12 người để lấy một.
11 người đầu tiên bị loại sau vòng phỏng vấn. Người thứ 12 là trưởng phòng tư vấn thuế của một công ty kiểm toán, có nền tảng bằng cấp và kinh nghiệm đáp ứng đủ các tiêu chí. Tuy nhiên người này đang có thu nhập và đãi ngộ tốt, cùng cơ hội thăng tiến lớn, không dễ thuyết phục thay đổi công việc.
"Khi nói chuyện, tôi phát hiện đặc thù công việc người này phải đi tỉnh nhiều trong khi họ muốn tiếp tục phát huy được chuyên môn, vị trí, ít phải đi công tác", Hương nói.
Sau vài buổi Hương thuyết phục được người này ứng tuyển vị trí mới với đãi ngộ tương đương, có quyền quyết định lớn, làm việc thẳng với chủ tịch, ít đi công tác, song phải chấp nhận đi làm sáng thứ 7.
"Sau ba tháng căng não cuối cùng ứng viên được ký hợp đồng, còn tôi được vinh danh nhân viên chốt được nhiều ứng viên nhất tháng", Quỳnh Hương, 30 tuổi, một headhunter chuyên tuyển nhân sự cấp trung và cấp cao lĩnh vực CNTT, chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Phương Mai, cựu giám đốc điều hành một công ty headhunter Nhật Bản ở Việt Nam, ngành này đã xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 1990 khi một số công ty kiểm toán nước ngoài đặt văn phòng và mở dịch vụ tuyển dụng nhân tài phục vụ khách hàng doanh nghiệp.
Tuy nhiên sau một số bê bối, để đảm bảo sự minh bạch và độc lập của dịch vụ kiểm toán, các công ty này phải ngừng cung cấp dịch vụ headhunter. Ernst & Young là đơn vị đầu tiên chuyển mảng tuyển dụng cho Navigos Search vào 2005, từ đó headhunter là một ngành dịch vụ độc lập tại Việt Nam với khoảng 200 doanh nghiệp.
Có ba trường hợp doanh nghiệp tìm đến headhunter gồm: tuyển các vị trí cấp cao hoặc khó, bộ phận nhân sự nội bộ không tuyển được; các vị trí nhạy cảm cần bảo mật thông tin để không gây ra xáo trộn thị trường hoặc doanh nghiệp; tuyển gấp số lượng lớn.
Ông Nguyễn Văn Toản, nhà sáng lập một nền tảng headhunter, cho biết công ty tập hợp hơn 30.000 "thợ săn đầu người", trong đó hơn 20.000 là người Việt. Hơn 80% khách hàng là doanh nghiệp quốc tế và 50% ứng viên là người nước ngoài.
Các headhunter có chỉ tiêu về doanh số và thường phải chủ động tìm cả khách hàng (doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng) lẫn "săn" ứng viên. Họ là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự nhưng cũng có thể ngoài ngành chuyển sang nghề "đi săn" vì nhiều lý do.
"Phí dịch vụ headhunter thường bằng hai hoặc ba đến năm lần mức lương tháng của nhân sự mà họ săn được. Đã có những headhunter chốt được một vị trí khó đủ tiền mua chiếc ôtô vài trăm triệu đồng", Đàm Thị Thu Trang, 30 tuổi, giám đốc chi nhánh một công ty tuyển dụng của Singapore ở Việt Nam, cho biết.
Với Trang, đây là nghề "dành cho trái tim sắt đá", bởi áp lực và mức độ thất bại rất cao. Các "thợ săn" chỉ được nhận phí dịch vụ khi ứng viên qua thời gian thử việc, thông thường hai tháng. Người làm headhunter phải đối mặt vô số rủi ro trong thời gian này. Có lần Trang tuyển được vị trí lập trình viên cho một ngân hàng, nhưng đến ngày thứ 59, ứng viên nghỉ việc.
Quỳnh Hương cũng rơi vào tình huống tương tự. Sau khi tuyển thành công phó giám đốc tài chính cho công ty CNTT, cô càng thêm vui khi khách hàng báo ứng viên phù hợp với văn hóa, chuyên môn và cảm kích Hương. "Nhưng tháng sau, họ báo ứng viên không đạt kỳ vọng, cần tìm người thay thế", Hương kể.
Đợt này yêu cầu tuyển dụng khắt khe hơn và thay đổi hoàn toàn chân dung ứng viên. "Tôi cảm giác như rơi xuống vực nhưng vẫn quyết tâm phải bảo vệ được hợp đồng và giữ chữ tín với khách hàng", cô nói.
Đàm Thị Thu Trang, 30 tuổi, làm diễn giả workshop "Tư duy chuyên nghiệp trong môi trường làm việc", tại Đại học Greenwich Vietnam tháng 5/2022. Cô cũng là gương mặt quen thuộc trong show hướng nghiệp thực tế của truyền hình và nhiều hội thảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một tình huống phổ biến khác của nghề headhunter là trùng ứng viên. Thông thường với mỗi dự án sẽ có nhiều công ty tuyển dụng tham gia. Có lần nhóm của Trang xảy ra tranh chấp với công ty đối thủ. Hai bên gửi vị trí công việc cho ứng viên cùng một ngày, trong đó công ty Trang liên hệ điện thoại không được nên gửi email, còn công ty đối thủ liên hệ qua Messenger. Ban đầu công ty đối thủ đã dùng mối quan hệ cá nhân để có được quyền sở hữu ứng viên và nhận phí dịch vụ.
Lúc này Trang đã đặt một buổi họp ba bên, yêu cầu cần tuân theo quy tắc email có tính pháp lý cao nhất nên ứng viên này thuộc về công ty Trang. Tuy nhiên ứng viên xác nhận họ đã biết tới vị trí này đầu tiên thông qua tin nhắn trên Facebook. Cuối cùng vụ việc được giải quyết theo hướng 70% phí dịch vụ cho công ty Trang, 30% cho công ty đối thủ.
Ngay cả khi giới thiệu thành công, người làm headhunter cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như khách "quỵt" tiền hoặc thỏa thuận ngầm với ứng viên để giảm bớt phí dịch vụ; ứng viên tự ứng tuyển. Rơi vào tình huống đó, Trang cho biết luôn giải quyết thiện chí, bước cuối cùng mới phải đưa nhau ra tòa. Cô không ủng hộ việc "bóc phốt" lên mạng xã hội của một số đồng nghiệp.
"Trong tình huống nào cũng phải đảm bảo mình đúng luật. Bóc phốt vừa vi phạm hợp đồng vừa vi phạm đạo đức bảo mật trong nghề", cô nói.
Dù rất căng thẳng nhưng đôi khi các headhunter cho biết nghề cũng mang lại những giây phút bình yên. Đó là khi giới thiệu cho ứng viên công việc tốt và giải được bài toán nhân tài cho doanh nghiệp.
Thu Trang nhớ nhất lần tuyển vị trí chuyên gia nghiên cứu dữ liệu và phân tích thị trường tài chính, chứng khoán của Mỹ cho một tập đoàn quản lý quỹ. Hai bên đã lọc cả chục ứng viên trước khi tìm ra một sinh viên năm 3, khoa CNTT.
Người này giỏi toán, tin và tiếng Anh, thành tích học xuất sắc. Anh đã vượt qua cả 6 vòng thi tuyển và một vòng kiểm tra nhân thân. Cuối cùng anh được tuyển với lương khởi điểm hơn 3.000 USD và doanh nghiệp sẵn sàng chờ một năm đến khi tốt nghiệp. Quá trình tuyển dụng thêm gian nan khi nam sinh này nhận được lệnh điều động công tác trước thời điểm có quyết định ra quân. Trang phải đồng hành cùng khách hàng và ứng viên suốt thời gian đó.
"Hơn cả phí dịch vụ nhân được, tôi ấn tượng trước một doanh nghiệp sẵn sàng chờ ứng viên hai năm", headhunter này chia sẻ. Đến nay, chàng trai vẫn làm ở tập đoàn này. Anh cho biết công việc cho anh cơ hội đi nhiều quốc gia và được làm việc với các nhà phân tích dữ liệu xuất sắc trên thế giới.
Là một nghề cần sự kiên trì, gai góc nên thế giới headhunter có sự đào thải lớn, tỷ lệ trụ được với nghề chưa đến 50%. Bản thân Thu Trang khi mới vào nghề đã không chịu nổi áp lực và định nghỉ việc ở tháng thứ hai.
Trước khi được công ty headhunter của Singapore "săn" vào vị trí giám đốc chi nhánh hiện tại, Đàm Thị Thu Trang đã là trưởng phòng toàn quốc và manager trẻ nhất một công ty headhunt top 3 Việt Nam. Cô tự mua được nhà, xe và có tích lũy trước tuổi 30.
"Đó là điều tôi tự hào nhất về bản thân", cô nói.
Theo báo Dân Trí