Lý do cách tính lương hưu nhà nước, tư nhân 'chưa công bằng'
TP HCMChuyên gia cho rằng cách tính lương hưu giữa nhà nước và tư nhân chưa công bằng nhưng không thể sửa ngay vì yếu tố lịch sử để lại.
Theo quy định hiện nay, nếu người làm ở khu vực nhà nước, tùy thời gian bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội, lương hưu sẽ được tính dựa trên bình quân các năm cuối là 5-10-20 năm. Chỉ những người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025, sau này khi hết tuổi lao động, lương hưu mới được tính dựa trên toàn bộ thời gian đóng. Trong khi đó, lao động ở khu vực tư, từ trước đến nay, lương hưu đều tính dựa trên toàn bộ thời gian tham gia.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM mới đây, công nhân cho rằng lương tăng theo thâm niên nên cách tính dành cho khối nhà nước có lợi hơn, số tiền nhận được cũng cao. Để công bằng, lao động kiến nghị cần tính lương hưu của lao động khối tư nhân theo lộ trình tương tự như khu vực công.
Tùy thời điểm tham gia bảo hiểm xã hội, lương hưu của cán bộ, công chức nhà nước được tính dựa vào 5-20 năm cuối, trong khi người lao động khu vực tư tính cả quá trình tham gia. Đồ họa: Tiến Thành
Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, cho rằng ý kiến của công nhân là đúng, rõ ràng cách tính lương hưu giữa hai khối là không công bằng. Mức hưởng của người làm nhà nước đang tốt hơn khối tư nhân nhưng "không thể sửa ngay".
"Sự khác biệt này có tính lịch sử", ông Huân nói. Trước năm 1993, trợ cấp hưu trí chỉ dành cho người làm nhà nước với mức hưởng cao nhất lên đến 95% lương và phụ cấp của tháng cuối cùng làm việc. Chế độ bảo hiểm xã hội giai đoạn này không hoàn toàn áp dụng nguyên tắc đóng – hưởng mà còn là sự ghi nhận của nhà nước đối với quá trình công tác của cán bộ, công chức, viên chức để sau khi nghỉ việc họ được hưởng khoản lương hưu, trợ cấp tương ứng thời gian công tác.
Năm 1993, khi Chính phủ ban hành Nghị định 43 chính thức mở rộng bảo hiểm xã hội ra mọi thành phần kinh tế, lương hưu áp dụng cho khu vực tư, nguồn quỹ bắt đầu có sự đóng góp của doanh nghiệp và người lao động. Theo các tiêu chuẩn quốc tế, lương hưu phải dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, tức tính toàn bộ quá trình đóng.
"Nhưng xử lý như thế nào với người trong khu vực nhà nước", ông Huân đặt câu hỏi. Thời điểm đó đã có rất nhiều tranh luận giữa những người làm chính sách về cách tính này. Nếu áp dụng ngay nguyên tắc đóng – hưởng sẽ gây ra cú "sốc" lớn, rất dễ gây ra làn sóng nghỉ việc ở khu vực công. Do đó, cách tính lương hưu khu vực này buộc phải điều chỉnh dần dần.
Ông Cao Văn Sang, nguyên giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cũng cho rằng cách tính lương hưu của khối nhà nước chưa công bằng với khu vực tư nhưng "khó có cách nào tốt hơn".
Vào năm 1993, khi cách tính lương hưu của khối nhà nước chuyển từ căn cứ vào phụ cấp, lương tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc thành bình quân 5 năm cuối, những người ở giai đoạn chuyển giao cũng đã phản ứng, so sánh vì bị thiệt. "Trước bối cảnh đó bắt buộc phải điều chỉnh theo lộ trình. Nó như liệu pháp giảm đau, để mọi người dần chấp nhận", ông Sang nói.
Mặt khác, nguyên giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM cho rằng cần nhìn vào thực tế lương của cán bộ công chức nhà nước tuân thủ nghiêm ngặt thang bảng lương với mức khởi điểm rất thấp. Ví dụ ngay ở thời điểm này, người trình độ đại học bắt đầu làm nhà nước sẽ nhận lương chưa đến 3,5 triệu đồng (hệ số 2,34 x lương cơ sở 1,49 triệu đồng). Trong khi lương tối thiểu cho lao động không trình độ, chưa qua đào tạo ở doanh nghiệp là 4,68 triệu đồng. Lương ở khu vực nhà nước cũng không thể tăng đột ngột mà phải ba năm mới điều chỉnh một lần.
Ngoài ra ở khu vực tư, tiền lương là sự thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng, vận hành theo cơ chế thị trường. Trong vòng đời làm việc của người lao động, có những giai đoạn lương của họ rất cao từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhưng cũng có thời điểm xuống thấp. Nếu lương thấp rơi vào giai đoạn sắp nghỉ hưu, mức nhận hưu trí các năm cuối sẽ rất thiệt thòi. Do đó, lương hưu tính bình quân cả quá trình đóng là hợp lý.
"Đó cũng là nguyên tắc tính lương hưu của thế giới và khối nhà nước cũng đi theo lộ trình này, tuân thủ nguyên tắc đóng – hưởng", ông Sang nói. Đặc biệt khi khu vực công đang từng bước thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, trả lương theo vị trí việc làm.
Ông Trần Hải Nam, Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho rằng sự khác biệt giữa cách tính lương hưu khu vực công, tư đang được thu hẹp dần theo lộ trình đã quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và 2014 khi tiến tới tất cả đều tính bình quân cả quá trình đóng. Lương hưu của người lao động khu vực tư có thể chưa công bằng khi so sánh với khối công, song so với khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội thì không hề thiệt thòi bởi tuân thủ theo nguyên tắc đóng – hưởng.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội Quốc hội), nói không thể tính lương hưu của lao động khu vực tư theo lộ trình tương tự như khu vực công. Thực tế, cách tính lương hưu của khối nhà nước đang dần thay đổi để đúng với nguyên tắc của thế giới.
Tuy nhiên để "bớt sự ganh đua" giữa hai khu vực, trong chi trả lương hưu cần tính đến nguyên tắc sẻ chia giữa người hưởng mức cao với người nhận lương hưu thấp. Điều này để không dẫn đến sự chênh lệch quá lớn giữa các nhóm hưởng, đặc biệt công nhân lao động có mức hưởng thấp.
Theo Vnexpress