Lương: Lương khoán là gì? Giải đáp các thắc mắc thường gặp về lương khoán

Lương: Lương khoán là gì? Giải đáp các thắc mắc thường gặp về lương khoán

Lương khoán là gì? Lương khoán có những ưu, nhược điểm như thế nào? Và khi nào thì chúng ta nên áp dụng lương khoán để trả lương cho người lao động? Hãy cùng nhau tìm hiểu về lương khoán và giải đáp các thắc mắc liên quan đến lương khoán trong bài viết dưới đây nhé!!!

1. Lương khoán là gì? Nên áp dụng lương khoán khi nào?

Lương khoán được hiểu đơn giản là một hình thức mà doanh nghiệp trả lương cho người lao động, bên cạnh các hình thức trả lương khác như: lương theo sản phẩm, lương theo giờ, lương theo doanh thu,…

Với hình thức này, thông thường sẽ phải có một hợp đồng giao khoán giữa hai bên. Trước khi làm, người lao động sẽ được nhận 1 số tiền nhận định, gọi là tiền đặt cọc. Và sau khi hoàn thành đủ số lượng và chất lượng được giao, người lao động sẽ được nhận đủ số tiền theo hợp đồng giao khoán.

Hình thức trả lương khoán đã được quy định trong Bộ luật Lao động từ năm 2012. Theo đó, người sử dụng lao động có quyền trả lương cho người lao động theo các hình thức khác nhau, miễn là được sự thỏa thuận đồng ý giữa hai bên:

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì NSDLĐ phải thông báo cho người lao động (NLĐ) biết trước ít nhất 10 ngày.

Lương khoán thường được áp dụng đối với các dự án, các sản phẩm mang tính ngắn hạn, thường không có sự lặp lại. Ngoài ra, lương khoán cũng thường được doanh nghiệp áp dụng trong các trường hợp kinh doanh cao điểm, cần có thêm nhân lực để hoàn thành công việc.

Ví dụ:

· Lương khoán trong các dự án xây dựng, giao thông, lắp đặt,..

· Lương khoán cho nhân viên nhà hàng, khách sạn trong các mùa cao điểm

· Lương khoán cho nhân viên content, thiết kế, xây dựng website,…

· Lương khoán cho nhân viên tổ chức sự kiện

· …..

2. Ưu, nhược điểm của lương khoán là gì?

Cách tính lương cho nhân viên nào cũng sẽ có những ưu, nhược điểm nhất định, và hình thức trả lương theo lương khoán cũng vậy, cụ thể:

Ưu điểm của lương khoán:

· Dễ dàng cho cả người lao động và người sử dụng lao động trong việc thỏa thuận đơn giá để thực hiện công việc

· Doanh nghiệp không cần phải kiểm soát và theo dõi ngày công của người lao động

Nhược điểm của lương khoán:

Doanh nghiệp thường sẽ phải ứng trước một khoản tiền nhất định cho người lao động

3. Những điều doanh nghiệp cần lưu ý khi áp dụng lương khoán là gì?

Những điều cần lưu ý khi áp dụng lương khoán

Hình thức trả lương khoán yêu cầu các doanh nghiệp cần phải tính toán mức lương khoán sao cho phù hợp, vừa phải tối ưu được chi phí thuê nhân sự mà vẫn đảm bảo được mức lương phù hợp cho người lao động.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên đưa ra những mức hoàn thành công việc khác nhau, và mỗi mức cao hơn sẽ nhận được tỷ lệ lương khoán cao hơn. Ngoài ra, có thể kèm thêm tiền thưởng để thúc đẩy người lao động phát huy tối đa năng suất làm việc của mình.

Bên cạnh đó, khi làm hợp đồng giao khoán, doanh nghiệp cần cực kỳ chú ý đến các điều khoản, và yêu cầu công việc một cách rõ ràng, chi tiết,…để tránh được những tranh cãi, hiểu lầm giữa hai bên.

4. Cách tính lương khoán chuẩn

Đối với hình thức trả lương khoán, mức lương người lao động nhận được sẽ phụ thuộc vào khối lượng công việc, chất lượng công việc và thời gian hoàn thành công việc của họ.

Công thức tính lương khoán

Lương khoán = Mức lương thỏa thuận x Tỷ lệ (%) hoàn thành công việc

Ví dụ: Bạn A được giao nhiệm  vụ viết 100 bài content chuẩn SEO trong vòng 1 tháng, với mức lương thỏa thuận là 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau thời gian 1 tháng, bạn A chưa hoàn thành đủ số lượng bài viết, mà mới chỉ hoàn thành xong 80 bài, tức là 80% khối lượng công việc theo yêu cầu.

Vậy mức lương mà bạn A được nhận sau 1 tháng là:

2.000.000 x 80% = 1.600.000 (đồng)

5. Giải đáp các thắc mắc liên quan đến lương khoán

5.1 Lương khoán có tính thuế TNCN không?

Lương khoán có tính thuế thu nhập cá nhân không?

Căn cứ Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp như sau:

“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho các cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức thu nhập từ 2.000.000 đồng / lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi đã trừ đi các khoản chưa đến mức phải nộp thuế TNCN thì cần làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) để làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ TNCN.

Tóm lại, về nguyên tắc, khi trả lương theo hình thức lương khoán, doanh nghiệp vẫn phải tiến hành khấu trừ thuế TNCN theo mức 10%. Nếu không muốn khấu trừ, doanh nghiệp cần phải yêu cầu cá nhân hoàn thành mẫu đơn cam kết 02/CK-TNCN theo hướng dẫn.

5.2 Lương khoán có phải đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ?

Lương khoán có phải đóng BHXH cho NLĐ không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Khoản 2, Điều 21 Luật BHXH năm 2014, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm người làm việc theo hợp động lao động không xác định thời hạn, hợp động lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, những loại công việc mang tính chất ổn định, lâu dài thì thường không được phép ký hợp đồng khoán việc mà phải ký hợp đồng lao động.

Như vậy, theo căn cứ quy định tại Điều 2 Luật BHXH 2014 thì người nhận khoán việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, trong trường hợp giao kết hợp đồng khoán việc, thì doanh nghiệp không cần phải đóng BHXH cho NLĐ.

Việc tính lương cho nhân viên đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm rõ những quy định trong luật lao động, cũng như các thủ các chuyên môn nghiệp vụ. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tính toán tiền lương cho nhân viên, chúng tôi luôn sẵn sàng hổ trợ doanh nghiệp bạn trong việc tư vấn, xây dựng và tích hợp vào phần mềm chính sách tiền lương cho doanh nghiệp bạn, vì thế vui lòng liên hệ với chúng tôi bạn nhé

Sưu tầm

DMCA.com Protection Status