Góc công sở: Nỗi oan nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết

Góc công sở: Nỗi  oan nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết

'Làm vậy có tử tế không?', bạn tôi bức xúc sau khi nhận liền ba lá đơn xin nghỉ việc của nhân viên dù vừa trả thưởng Tết một tuần.

“Mới trả thưởng Tết Âm lịch cho nhân viên được chưa đầy một tuần, tôi nhận liền ba tờ đơn xin nghỉ việc. Sao giới trẻ bây giờ vô ơn vậy nhỉ?”, anh bạn tôi bức xúc kể trong buổi cà phê cuối tuần vừa rồi. Là quản lý một doanh nghiệp tư nhân nhỏ, vật lộn cả năm qua để tồn tại qua dịch bệnh, công ty của bạn tôi là một trong số ít may mắn chưa bị đóng cửa vĩnh viễn. Tuy nhiên, quãng thời gian dài công việc làm ăn bị ngưng trệ vì lệnh giãn cách cũng đủ khiến bạn tôi chật vật mới trụ lại được trên thị trường. Dẫu vậy, Tết này, bạn vẫn cố trích một khoản để thưởng Tết cho nhân viên trong công ty như một sự khích lệ tinh thần để cùng nhau vực dậy kinh doanh ngay sau Tết.

Thế nhưng, như một kẻ bị phụ tình, nhận một đòn đau từ chính những người mà mình tin tưởng, bạn không giấu được nỗi thất vọng, xen lẫn giận dữ trước những lá đơn xin nghỉ việc của nhân viên sau khi vừa lĩnh thưởng Tết. “Bạn xem họ làm vậy có tử tế không?”, bạn tôi gay gắt. Thực ra, chẳng riêng gì bạn

, tôi tin hầu hết những người ở cương vị chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động đều sẽ coi hành động nghỉ việc sau khi nhận thưởng là “ăn cháo đá bát”.

Tình trạng nhân sự kéo nhau nghỉ việc đồng loạt sau Tết đã và đang là cơn đau đầu kéo dài của các doanh nghiệp. Theo lẽ thường, người ta sẽ đánh giá việc bạn nghỉ việc vào thời điểm nhạy cảm này là ích kỷ, bội bạc với những người đã trả lương và thưởng cho bạn mới đây. Nhưng tôi tự hỏi, nếu thử đứng vào vị trí của những nhân viên kia, liệu chúng ta có thể có một cái nhìn khác về câu chuyện này?

Nói về thưởng Tết, phải hiểu rằng, đây là một loại thù lao công ty trả cho những đóng góp của nhân viên trong suốt cả năm qua, chứ hoàn toàn không phải là khoản tiền trả trước để yêu cầu bạn gắn bó và cống hiến trong năm tới. Đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Thế nên, không thể coi thưởng Tết như một kiểu ràng buộc với người lao động, càng không thể lấy hai chữ “tử tế” để đánh giá nhân viên nghỉ việc sau khi nhận thưởng.

Còn nếu nói nhân viên nghỉ việc sau Tết là vô tình với công ty thì cũng không đúng. Quan hệ giữa nhân viên và người sử dụng lao động là hai chiều, có qua có lại, lợi cho cả đôi bên, chứ không phải cho – nhận để nói đến chuyện tình cảm, ơn nghĩa. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải đánh giá một nhân viên xin nghỉ việc dựa trên cả một quá trình người đó làm việc và lý do xin nghỉ của họ là gì?

Ví dụ, họ là một nhân viên xuất sắc, luôn hoàn thành công việc được giao, nhưng vì chế độ đãi ngộ chưa tốt, môi trường làm việc không hợp, hay không được vạch lộ trình phát triển… thì khi đó chuyện nghỉ việc là hoàn toàn dễ hiểu và đáng được cảm thông. Khi công ty của bạn không đủ tốt để giữ chân người tài, thì việc họ rời đi là đương nhiên.

Ngược lại, nếu nhân viên kia năng lực kém, làm việc chểnh mảng, thiếu kỷ luật, nhưng lại luôn đòi hỏi quyền lợi trước khi cống hiến cho công ty, nay lại chờ nhận thưởng xong rồi nghỉ việc thì bạn cũng không nên tiếc nuối làm gì. Tất nhiên, ở đây, cũng không nên trách cứ họ, vì như đã nói, tiền thưởng Tết không phải món nợ mà nhân viên phải trả lại trong năm tới. Việc nhân viên chờ lãnh thưởng xong mới nghỉ việc, âu cũng là lẽ thường, vì đơn giản họ không muốn mất đi khoản thù lao cho sự gắn bó của họ suốt cả năm qua.

Nói tóm lại, vấn đề nghỉ việc sau Tết chỉ nên là một sự lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người, không đáng bị lên án về mặt đạo đức. Với cá nhân mình, tôi tôn trọng những người thẳng thắn xin nghỉ việc dù ở bất cứ thời điểm hay lý do nào. Một nhân viên dám bàn giao công việc và rời đi khi không còn thấy thoải mái và không còn đủ tâm huyết với công việc, công ty, còn đáng trân trọng hơn nhiều những người cố bám trụ rồi lười biếng, ỷ lại, chỉ chăm chăm tìm cách bòn rút.

Có lẽ, không đơn giản để thay đổi thành kiến của nhiều người như bạn tôi về chuyện nhân viên nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết. Nhưng như một người từng nói với tôi rằng: “Trong kinh doanh, doanh nghiệp tốt chỉ nên có một yêu cầu duy nhất đối với nhân viên của mình, đó là hãy làm tốt công việc của mình để xứng đáng với mức lương công ty trả cho bạn”. Thế nên, nếu một lúc nào đó, nhân viên của bạn có bất ngờ đặt lên bàn lá đơn xin nghỉ việc, tôi mong hai bên có thể nói chuyện vói nhau một cách sòng phẳng. Nếu không thể tìm được giải pháp đi chung tiếp một con đường, hãy vui vẻ chúc nhau thành công trên những lối đi mới.

Theo Hrinsider

DMCA.com Protection Status