Quản trị nhân sự: Hãy học hết những điều sau ở công ty cũ trước khi nhảy việc
Trên mỗi dấu chân đi qua, mỗi sự việc xảy ra đều để lại cho chúng ta những bài học vô giá. Vì thế, không quá khi nói “Công ty cũ như một người thầy dạy bạn những điều hữu ích trong sự nghiệp”. Hiện tại, có thể bạn chưa nhận ra. Nhưng trong tương lai, bạn sẽ thầm cảm ơn vì những kinh nghiệm quý giá đó. Nếu bạn đang có ý định nhảy việc, đừng quên học hết những bí kíp sau trước khi có cú nhảy xa cho riêng mình nhé.
Học cách xử lý tình huống
Không phải ai sinh ra đều sở hữu khả năng thông minh thiên bẩm. Thậm chí, người sở hữu IQ cao chưa chắc sẽ điều khiển cảm xúc tốt. Vì thế, khi đối mặt trước vấn đề cần xử lý, nhiều người không kiểm soát được cảm xúc dẫn đến mất phương hướng giải quyết. Cụ thể như:
Khách hàng phản ánh chất lượng sản phẩm kém với lời lẽ không hay. Bạn phải hứng chịu cơn thịnh nộ từ “thượng đế” trong nhiều phút trôi qua. Ở trong tình huống này, nhiều người sẽ trở nên bực tức khi phải lắng nghe chỉ trích khiếm nhã từ khách hàng. Nếu bạn tỏ thái độ sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía khách hàng nhiều hơn. Vì thế, hãy tỏ ra đồng cảm với khách hàng để làm dịu cơn giận dữ từ khách trước. Để khách bình tĩnh thì hai bên mới có cơ hội tìm hiểu vấn đề và đưa ra phương pháp xử lý cho phù hợp.
Trên thực tế, chúng ta đã được học qua vô số lý thuyết về cách ứng xử với nhiều trường hợp khác nhau. Nhưng không một trường lớp nào cho ta kinh nghiệm thực tiễn khi được trải nghiệm chân thực khi đã tiếp xúc qua. Thế nên, môi trường làm việc hiện tại đang dạy cho chúng ta ứng phó với nhiều tình huống khó nhằn. Bình tĩnh và vượt qua nó sẽ giúp bạn nâng cấp khả năng xử lý và ứng xử chuyên nghiệp. Đây chính là giá trị mà những môi trường mới đang mong muốn ứng viên của mình sở hữu mà không cần mất nhiều thời gian đào tạo.
Lưu trữ “kho tài liệu” cần thiết
Mỗi công ty đều có hệ thống tài liệu và văn bản mẫu được lưu trữ sẵn. Tuy nội dung có thể khác đôi chút, nhưng hình thức trình bài đều được quy định tương tự nhau. Đặc biệt, bạn là nhân viên hành chính; kho tài liệu khổng lồ từ công ty sẽ là tài sản vô giá bạn cần lưu trữ. Bởi chúng ta không biết chính xác được tương lai mình sẽ cần những gì, nhưng cất giữ khi cần thiết sẽ có ngày giúp ích cho bạn. Nếu bạn sang môi trường mới là công ty startup có nhiều cơ hội để bản thân phát triển, những dạng công ty này còn nhỏ nên hệ thống giấy tờ chưa được hoàn thiện đầy đủ. Lúc này, bạn sẽ thấy những tài liệu ở công ty cũ phát huy khả năng hữu ích đến nhường nào.
Ngoài ra, bạn có thể học hỏi ở công ty cũ cách để tìm kiếm tài liệu đó. Vì các văn bản hành chính đều có biểu mẫu riêng và được sửa đổi, cập nhật mới nhiều lần. Bạn cần biết cách tìm kiếm chúng đúng nơi cung cấp uy tín, được cập nhật mới nhất. Hoặc những chính sách giá, quy trình đào tạo nhân viên,… đều có khung chung chỉ khác nhau về tính chất nên mỗi công ty sẽ được cải biên cho phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp mình. Bạn nên học cách xây dựng chúng để áp dụng linh hoạt hơn trong mọi tình huống.
Trau dồi nghiệp vụ
Kiến thức vốn là kho tàng khổng lồ không thể nào học hết được. Nhưng không vì thế chúng ta bỏ cuộc, bạn cần học hỏi và không ngừng rèn luyện để bản thân trở nên hoàn hảo hơn.
Dù là người giàu kinh nghiệm hay những bạn trẻ còn non nớt với nghề, chúng ta đều không chắc đã biết hết mọi ngõ ngách trong công việc của mình. Vì thế, khả năng tự giác học hỏi và dung bồi cho kiến thức của mình rất quan trọng. Ở môi trường cũ, bạn có điều kiện tiếp xúc thực tiễn và làm việc cùng đồng nghiệp gạo cội. Hãy tranh thủ cơ hội đó học lỏm những bí kíp nghề nghiệp và trau dồi nghiệp vụ của mình tốt hơn nhé. Những kinh nghiệm này sẽ là hành trang để bạn tiếp bước trên con đường sự nghiệp sau này. Nên đừng bỏ qua cơ hội học hỏi những người đã đi trước để nâng cấp bản thân mình nhé.
Xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người
Chúng ta đã có ý định nhảy việc, tại sao phải xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp hiện tại làm gì ? Nếu bạn vẫn còn suy nghĩ đó, thật là một sai lầm tai hại. Bởi những mối quan hệ tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích vượt xa tưởng tượng của bạn. Chúng ta cần nhìn xa hơn, đừng tự đặt mình vào giới hạn thiển cận. Bởi các mối quan hệ tốt không chỉ cho ta lợi ích trước mắt. Trong tương lai, có thể những đồng nghiệp này là người cho ta cơ hội nghề nghiệp ở môi trường khác. Bạn có thể tâm sự với họ về nghề nghiệp để được hướng dẫn hoặc chính họ sẽ là người giới thiệu cho bạn một công ty “ngon” như mơ ước của bạn. Bởi bạn có hai nguồn tìm việc: nội bộ và bên ngoài. Bạn có thể thông qua các kênh tìm kiếm việc online như: Vietnamworks, các diễn đàn tuyển dụng, hội nhóm,… và từ những đồng nghiệp thân cận.
Mặt khác, bạn có thể sẽ gặp vấn đề khó xử khi ở môi trường mới. Lúc này, nếu bạn chưa thân với ai ở đây, chính những đồng nghiệp cũ là người có thể đưa ra cách giải quyết hoặc đơn giản lắng nghe tâm sự của bạn. Vì thế, bạn chọn ra đi không có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ với tất cả đồng nghiệp cũ. Thế nên, hãy quý trọng các mối quan hệ và tìm cách “nuôi dưỡng” chúng nhé.
Như những chia sẻ trên, mỗi môi trường làm việc đều đem lại những bài học vô giá khác nhau. Chúng ta cần biết học hỏi và tích góp những kinh nghiệp đó làm hành trang tiến bước trên con đường sự nghiệp sau này. Bởi đó chính là giá trị mà nhà tuyển dụng nhìn vào để “định giá” bạn. Hy vọng qua những chia sẻ trên sẽ mang lại điều bổ ích cho những bạn sắp và đang có ý định nhảy việc có bước chuẩn bị đầu tư trước cho mình.
Theo Hrinsider