Người lao động làm thế nào để biết công ty có đóng bảo hiểm cho mình không?

người lao động có cách nào để kiểm tra xem công ty/doanh nghiệp có đóng bảo hiểm cho mình không? Nếu công ty không đóng, cần làm gì để bảo vệ quyền lợi bản thân?

Mới đây, thông tin BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với công an kiên quyết xử lý những doanh nghiệp "bùng" bảo hiểm xã hội của người lao động, đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả Dân trí.

Theo thống kê, hiện có 200.000 người bị nợ BHXH đồng nghĩa hơn 200.000 gia đình gặp khó khăn. Chưa kể số lao động bị nợ BHXH không chốt được sổ BHXH thì không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản khi sinh con cũng như không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động khi làm việc.

Gửi bình luận về Dân trí, nhiều độc giả cùng chung ý kiến băn khoăn rằng, "Công ty không đóng BHXH cho người lao động theo cam kết là vi phạm hợp đồng lao động, mà vi phạm thì phải xử lý. Không đóng cho họ kịp thời thì phải có thông báo và thỏa thuận với họ để họ ra quyết định chứ không phải đến lúc nghỉ việc mới biết là mình không được đóng. Vậy người lao động có cách nào để kiểm tra xem công ty/doanh nghiệp có đóng bảo hiểm cho mình không?".

Số lao động bị nợ BHXH không chốt được sổ BHXH thì không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản, chế độ ốm đau, tai nạn lao động... (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Trả lời băn khoăn trên của độc giả Dân trí, Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết có 2 cách để người lao động có thể kiểm tra xem công ty/doanh nghiệp có đóng bảo hiểm cho mình không.

Các cách để người lao động tự kiểm tra việc doanh nghiệp/công ty có đóng BHXH cho mình không

Cách thứ nhất, kiểm tra trên Website của BHXH Việt Nam

Điều kiện để kiểm tra thông tin đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thông qua Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, người lao động buộc phải đăng ký số điện thoại liên hệ với cơ quan BHXH rồi thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Truy cập phần Tra cứu quá trình tham gia BHXH tại Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam theo link sau: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx

Bước 2: Nhập thông tin người lao động.

Các thông tin được đánh dấu sao buộc phải nhập đầy đủ, chính xác thì hệ thống mới trả kết quả chính xác.

Người lao động nhập lần lượt Tỉnh/thành phố >> Cơ quan BHXH (theo nơi công ty đang làm việc) >> Nhập số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân >> Nhập   Họ tên >> Mã số BHXH >> Điền số thoại đăng ký với cơ quan BHXH

Bước 3: Tích chọn "Tôi không phải là người máy" >> Bấm lấy mã tra cứu.

Bước 4: Nhập mã OTP được gửi về số điện thoại của người lao động >> Tra cứu.

Bước 5: Xem quá trình đóng BHXH của mình.

Hệ thống sẽ cập nhật đến thời gian đóng BHXH gần nhất mà công ty hiện đóng cho bạn.

Nếu công ty nợ đóng BHXH nhiều tháng, hệ thống cũng hiển thị rõ số tháng nợ đóng tại phần thông tin tham gia BHXH của người lao động.

Cách 2. Kiếm tra trên ứng dụng VssID

Điều kiện để kiểm tra thông tin đóng BHXH thông qua ứng dụng VssID, người lao động phải có tài khoản đăng ký theo mã số BHXH và mật khẩu do cơ quan BHXH cấp.

Bước 1: Đăng nhập tài khoản VssID.

Bước 2: Tại giao diện Quản lý cá nhân chọn Quá trình tham gia.

Bước 3: Xem thông tin về quá trình đóng BHXH.

Hệ thống cũng cập nhật đến thời gian đóng BHXH gần nhất mà công ty hiện đang đóng cho người lao động.

Nếu công ty nợ đóng BHXH nhiều tháng, hệ thống cũng hiển thị rõ số tháng nợ đóng tại phần thông tin tham gia BHXH của người lao động.

Người lao động phải làm gì nếu phát hiện công ty không đóng bảo hiểm cho mình?

Khi áp dụng một trong 02 cách kiểm tra công ty có đóng bảo hiểm mà phát hiện thực tế họ không đóng bảo hiểm xã hội cho mình, người lao động có thể thực hiện theo một trong các cách sau đây để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình.

Thứ nhất, liên hệ với bộ phận phụ trách của công ty.

Người lao động chủ động yêu cầu đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho mình. Đây là cách giải quyết nhanh chóng và hài hòa nhất giữa người lao động với công ty.

Tuy nhiên nếu công ty đã cố tình không đóng bảo hiểm cho người lao động thì kể cả khi người lao động đề nghị trực tiếp họ cũng chưa chắc đã thực hiện.

Thứ hai, nếu đã liên hệ với người phụ trách và không được giải quyết thỏa đáng, người lao động thực hiện khiếu nại lần đầu đến người sử dụng lao động. Nếu không được đóng bảo hiểm hoặc đóng không đủ thì có thể tiếp tục khiếu nại lần hai đến Sở Lao động - Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở.

Thứ ba, tố cáo đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.

Nếu xác minh đúng là có vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động về lỗi đóng bảo hiểm không đủ số người thuộc diện tham gia hoặc lỗi chậm đóng bảo hiểm.

Mức phạt đối với người sử dụng lao động vi phạm là phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng (theo khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Đồng thời doanh nghiệp còn buộc phải đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động và nộp thêm số tiền lãi chậm nộp cho cơ quan BHXH.

Cuối cùng, bạn có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Căn cứ khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, trường hợp có tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động liên quan đến BHXH, người lao động có thể trực tiếp thực hiện thủ tục khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để yêu cầu đóng bù tiền bảo hiểm.

                                                                                     Theo báo dân trí