Quản trị nhân sự: Giải pháp giữ chân cho từng thế hệ Gen X, Millennials và Gen Z

Bạn có đang băn khoăn làm thế nào có thể gắn kết lớp nhân sự đa thế hệ?
Hiện nay, thị trường lao động đang được chiếm lĩnh bởi ba thế hệ chủ chốt đó là Gen X, Millennials và Gen Z. Những thế hệ này sinh ra và lớn lên trong nhiều bối cảnh xã hội khác nhau. Điều này dẫn đến sự khác biệt trong tư duy và sự bất đồng điệu trong động lực công việc.

Để có thể quản lý tổ chức đa thế hệ, nhà quản lý nhân sự cần nắm được nhân viên từng thế hệ cần gì, họ mong muốn điều gì trong công việc và điều gì là động lực khiến họ đi làm mỗi ngày. Hiểu được những điều đó, nhà quản lý có thể dễ dàng trong việc hoạch định chính sách nhân sự, đáp ứng tối đa kỳ vọng của nhân viên.

Vậy, từng thế hệ nhân viên cần gì, và làm thế nào để có thể đáp ứng những kỳ vọng đó? Hãy cùng Base Resources tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Gen X, Millennials và Gen Z, họ là ai?

Gen X là thế hệ được sinh ra trong khoảng năm 1965 -1979. Đây là thế hệ đầu được trải nghiệm các thành tựu của công nghệ thông tin như máy tính cá nhân, cáp truyền hình và internet. Thế hệ này được đánh giá là có học thức, có xu hướng hướng tới công việc ổn định và thường cố gắng làm việc, tích lũy để an hưởng tuổi già.

Gen Y (Millennials) được sinh ra vào cuối những năm 80, đầu những năm 90. Đây là thời điểm công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ, giải quyết hầu như mọi nhu cầu của con người một cách nhanh chóng. Chính vì sự ảnh hưởng sâu sắc của thời đại nên thế hệ Millennials có đặc tính nóng vội, luôn mong muốn mọi thứ được hoàn thành ngay lập tức.

Gen Z để chỉ những người sinh ra vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Thế hệ này được hưởng trọn vẹn những tiện nghi hiện đại và lớn lên với điện thoại di động, máy tính bảng. Gen Z hiện đang chiếm khoảng 25% tổng dân số trên toàn thế giới.

Quyền tự trị là điều Gen X quan tâm

Tính đến thời điểm hiện tại, Gen X nằm trong độ tuổi từ 41 đến 55. Thế hệ này sinh trưởng trong thời đại các gia đình đều có nguồn thu nhập đến từ cả vợ và chồng, tỷ lệ ly hôn gia tăng và nền kinh tế bị chững lại. Gen X có những người mẹ tham gia lực lượng lao động ngay cả trong thời điểm sinh và kết quả, họ là những đứa trẻ luôn ở một mình phần lớn thời gian trong ngày – khi cả cha mẹ đều ra ngoài làm việc. Hoàn cảnh này đã tôi luyện lên Gen X tháo vát, độc lập. Họ coi trọng quyền tự trị, không thích bị quản thúc hay chấp nhận sự giám sát quá chặt chẽ.

Tâm lý Gen X phản ánh sự thay đổi từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ. Đây là thế hệ đầu tiên lớn lên với máy tính, do đó, công nghệ gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của họ.

Một đặc điểm chung khác của Gen X là họ có xu hướng linh hoạt, ít cam kết gắn bó với chủ nhân. Họ sẵn sàng nhảy việc khi có cơ hội tốt hơn mời gọi và họ thích nghi rất tốt với sự thay đổi. Thế hệ X đầy tham vọng, luôn mong muốn học hỏi các kỹ năng mới nhưng họ lại thích hoàn thành mọi thứ theo phong cách riêng của họ.

Gen X mạnh mẽ, tháo vát, tự định hướng và làm việc chăm chỉ. Điều quan trọng cần tránh trong việc thúc đẩy sự gắn kết với Gen X đó là quản lý quá chặt chẽ. Mức độ giám sát quá cao sẽ khiến họ cảm thấy cấp trên không tin tưởng họ có thể làm tốt công việc của mình. Một số điều cần lưu ý khi quản lý bộ phận nhân viên thuộc gen X đó là:

Quan tâm đến gia đình họ: Gần một nửa nhân sự Gen X vẫn đang trong quá trình chu cấp cho con đi học và 21% nhân sự đang phụng dưỡng cha mẹ. Gần 15% Gen X phải đồng thời lo cho cả thế hệ cha mẹ và con cái. Để khuyến khích tinh thần làm việc và giữ chân Gen X, công ty cần có những khoản tiền dành cho gia đình nhân viên ví dụ như: tiền thưởng cho con em nhân viên có thành tích cao trong học tập, tiền dành tặng cha mẹ nhân viên trong các dịp lễ,….

Tổ chức các buổi training về công nghệ: Các chương trình phát triển kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng về lĩnh vực công nghệ, giúp nhân sự đều được trang bị công cụ cạnh tranh trong thời đại thông tin ngày nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng cởi mở trong việc áp dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là gen X. Nghiên cứu của đại học Suffolk chỉ ra rằng, gen X sẽ không áp dụng một cách mù quáng các công nghệ mà không có bằng chứng cho thấy các công cụ vào quy trình mới sẽ mang đến những giá trị tích cực. Dữ liệu và số liệu là chìa khóa giúp gen X nhận ra giá trị của phần mềm công nghệ mang lại.

Giao tiếp cởi mở: Dành thời gian để đưa ra feedback với Gen X. Thế hệ này coi trọng giao tiếp cởi mở và trung thực. Những cuộc gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp sẽ giúp Gen X cảm thấy thoải mái trong môi trường làm việc.

Millennials (Gen Y) họ cần gì?

Sinh ra sau những năm 1980, Millennials tính tới thời điểm này đang đạt trong độ tuổi 20-30. Đây là thế hệ có sự hiểu biết cao về công nghệ, là lực lượng lao động chủ chốt và là phân khúc lao động phát triển nhanh nhất hiện nay.

Millennials luôn tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân. Theo nghiên cứu của Bridge – dịch vụ điều tra và nghiên cứu thị trường – việc tổ chức các khóa đào tạo và cung cấp cơ hội phát triển nghề nghiệp có hiệu quả giữ chân nhân viên Millennials tới 86%. Trong công việc, Millennials mong muốn có lộ trình thăng tiến rõ ràng và họ cần biết liệu công ty có hỗ trợ họ theo đuổi các mục tiêu thăng tiến nghề nghiệp hay không.

Theo báo cáo của Gallup, có đến 59% Millennials cho rằng cơ hội học hỏi và phát triển là yếu tố quan trọng khi họ cân nhắc apply vào một công ty. Đối với thế hệ Gen X, chỉ có 44% đề cao yếu tố này.

Như vậy có thể thấy, thế hệ Millennials rất coi trọng sự phát triển bản thân. Trong quá trình tạo dựng sự gắn kết với thế hệ này, các nhà quản lý cần lưu ý:

Game hóa môi trường làm việc: Game hóa môi trường làm việc hiểu đơn giản là nhà quản lý phân chia nhiệm vụ lớn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn như cách chia level trong game. Sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ nhỏ sẽ có một phần thưởng. Điều này giúp nhân viên có động lực để tiến đến hoàn thành mục tiêu lớn hơn.

Công nhận thành tích: Millennials có cái tôi rất cao, vậy nên, sự công nhận từ cấp trên sẽ giống đòn bẩy thúc đẩy họ cống hiến nhiều hơn cho công ty.

Trao quyền thay đổi văn hóa công ty: Millennials luôn có khao khát tạo được ảnh hưởng với tổ chức. Việc trao cho họ tiếng nói cùng xây dựng văn hóa công ty sẽ giúp họ cảm thấy mình là một phần quan trọng của tổ chức và sẽ gắn kết hơn với tổ chức mình đang làm việc.
Xây dựng môi trường làm việc linh hoạt: Millennials đề cao sự cá nhân, thoải mái. Một môi trường làm việc với phong cách thiết kế phá cách là sự kích thích đối với Millennials.

Ứng dụng công nghệ: Như đã nói, Millennials sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, do dó, sự ứng dụng công nghệ trong vận hành là yêu cầu tối thiểu quyết định sự gắn kết của Millennials với công ty.

Gen Z – Thế hệ gắn kết chặt chẽ với công nghệ thông tin

Đây là thế hệ trưởng thành cùng công nghệ ngay từ khi mới chỉ là bào thai. Chính sự tiếp cận công nghệ quá sớm đã hình thành cho Gen Z nhu cầu mạnh mẽ về công nghệ thông tin. Trung bình, một Gen Z được sở hữu điện thoại di động riêng vào năm 10 tuổi và mỗi ngày gen Z dành ra tầm 3 tiếng với các thiết bị di động.

Gen Z coi công nghệ là công cụ không thể thiếu trong cả công việc và đời sống cá nhân. Họ thích ứng nhanh với sự thay đổi công nghệ và luôn mong muốn cập nhật những phiên bản công nghệ mới nhất để nâng cấp trải nghiệm. Trong công việc, Gen Z mong muốn tất cả quy trình làm việc được quản lý tự động. Họ có hứng thú với những công ty áp dụng các phần mềm quản lý công việc hoặc truyền thông nội bộ hiện đại nhất.

Một điều nữa về thế hệ Gen Z trong công sở đó là họ mong muốn sự minh bạch, và quan tâm đến mục đích hoạt động của công ty. Nghiên cứu của Dell chỉ ra: có 38% nhân sự Gen Z mong muốn được làm trong tổ chức có trách nhiệm với xã hội và 45% muốn công việc mình làm có giá trị đóng góp vì cuộc sống mọi người.

Để thúc đẩy sự gắn kết cũng như thu hút nhân sự Gen Z, doanh nghiệp cần:

  • Áp dụng công nghệ trong vận hành: Doanh nghiệp nên tìm hiểu và áp dụng một số phần mềm hỗ trợ quản lý doanh nghiệp như: Phần mềm quản lý công việc, Phần mềm quản lý dự án, Phần mềm quản lý tài nguyên, Mạng truyền thông nội bộ,…
  • Nâng cao tính minh bạch: Nhà quản lý có thể cho nhân viên nhận thấy sự minh bạch bằng cách: Thông báo mọi chính sách công ty qua kênh truyền thông nội bộ; tổ chức ngay các cuộc họp khi có vấn đề xảy ra trong công ty; Làm nổi bật tầm nhìn, sứ mệnh công ty trên các trang web hay các trang xã hội có sự tương tác với bên ngoài.
  • Luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân viên: Gen Z có nhiều tham vọng trong thăng tiến sự nghiệp, do đó, doanh nghiệp cần có sự cam kết đối với sự phát triển sự nghiệp của nhân viên. Cụ thể, doanh nghiệp cần tổ chức những khóa học phát triển kỹ năng nghề nghiệp, giúp đỡ nhân viên trong quá trình định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ kinh phí tham gia những sự kiện, khóa học liên quan đến phát triển bản thân,…
  • Thường xuyên đưa feedback: Gen Z đánh giá cao việc nhận được các phản hồi cho biết họ có đang đi đúng hướng trong công việc hay không. Do đó, nhà quản lý nên có tần suất họp hợp lý để đánh giá hiệu suất công việc và đưa ra feedback kịp thời.
  • Giáo dục nhân viên về sứ mệnh công ty: Gen Z có xu hướng gắn kết với những công ty có cùng tầm nhìn. Để nhân viên cống hiến tốt hơn, doanh nghiệp cần nêu bật sứ mệnh thông qua kênh truyền thông nội bộ, qua những buổi họp chung toàn công ty hoặc trong những cuộc họp giữa các phòng ban.

Tạm kết

Tính cách và động lực làm việc của từng thế hệ là dữ liệu quan trọng giúp các nhà quản lý đề ra những phương pháp quản lý cũng như nâng cao sự gắn kết của nhân viên. Mỗi thế hệ sẽ có những cách quản lý khác nhau nhưng có một biện pháp chung chắc chắn mọi doanh nghiệp phải làm đó là số hóa doanh nghiệp. Cả 3 thế hệ đều sinh trưởng trong thời đại công nghệ phát triển mạnh, họ sẽ rời nếu môi trường làm việc không có sự có mặt hay có sự cải tiến về công nghệ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần nhanh chóng có biện pháp đưa công nghệ vào quá trình hoạt động, vừa giúp nâng cao năng suất, vừa thúc đẩy sự gắn kết nhân viên.