Băn khoăn tuổi nghỉ hưu: Nên tách tuổi hưởng chế độ với tuổi hưu
Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Một bạn đọc tên Công bày tỏ: "Rút BHXH xuống 15 năm thì chả có mấy công nhân ngoài nhà nước chờ lĩnh lương hưu đâu mà thấp với cao. 14 năm 11 tháng họ rút hết 1 lần. Như Công ty Pouyuen ở TP.HCM cắt giảm gần 6.000 lao động trong đó 50% trên 40 tuổi. Số người trên 40 tuổi đó không rút một lần là vì đủ năm không cho rút thôi, chứ 40 tuổi mất việc thì làm gì để có tiền đóng BHXH".
Một bạn đọc tên Đại góp ý: "Theo tôi, người lao động càng có năm đóng BHXH càng nhiều thì khi về hưu càng hưởng lương hưu càng cao (tối đa là 90-95%), đó mới là khuyến khích người lao động tham gia không phải rút 1 lần. Ví dụ: sau 15 năm cơ bản khi về hưu hưởng 45%, cứ 5 năm tiếp theo tăng thêm 5%...cho đến 60 tuổi mà đóng được 40 năm thì được hưởng tối đa 90-95%". Một bạn đọc tên Thành chia sẻ: "Số năm đóng ít lại để hưởng lương hưu thấp thì tôi nghĩ người lao động rút BHXH một lần còn nhiều hơn, hạ mức tuổi hưởng lương hưu xuống mới giảm được rút một lần".
Góp ý hoàn thiện chính sách, một bạn đọc tên Hà chia sẻ: "Nên giảm tuổi được hưởng lương hưu xuống như trước đây, cụ thể nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi". Theo nhiều bạn đọc, nên tách tuổi hưởng chế độ với tuổi hưu. Tuổi nghỉ hưu chỉ để bắt buộc người sử dụng lao động và người lao động trong độ tuổi đó phải đóng BHXH. Còn việc nhận lương hưu thì nên tính vào số năm tham gia BHXH. Người nào muốn nhận 45% thì đóng đủ 20 năm đóng, ai muốn nhận cao hơn thì đóng lên 30 năm, 35 năm. Nếu mức % kia chưa hợp lý thì BHXH nên thiết kế lại mức đóng hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít theo tỉ lệ % lương hưu và số năm lĩnh lương hưu. Thời gian lĩnh lương hưu cao nhất chỉ tới 80 tuổi, sống tiếp sau 80 tuổi thì chuyển qua chính sách người cao tuổi.
Một bạn đọc tên Tuấn chia sẻ: "Đợt sửa Luật BHXH lần này nên đưa chế độ nghỉ hưu theo hướng đa tầng? Những đối tượng lao động có hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước có thời gian đóng NHXH bắt buộc liên tục 20 năm trở lên nếu ai có nguyện vọng nghỉ hưu để hưởng lương hưu thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu. Còn đối với người lao động là cán bộ công chức viên chức và người lao động gián tiếp thì có thể áp dụng chế độ nghỉ hưu như hiện nay?". Tương tự, một bạn đọc tên Hiền đề xuất: "Theo tôi cứ đủ 25 năm đóng BHXH là đủ số năm đóng, còn tuổi nghỉ hưu phải phân loại các ngành nghề khác nhau không cào bằng nhưng mức trung bình là 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi với nam. Đóng càng nhiều, càng cao thì lương hưu càng cao và ngược lại".
Trong khi đó theo bạn đọc Đỗ Văn Chữ, tuổi nghỉ hưu nam 60. Nữ 55 là hợp lòng dân và khoa học nhất. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, giới trẻ không lo thất nghiệp. Theo bạn đọc Nguyễn Đăng Khoa, nếu lộ trình đang tăng tuổi hưu không thay đổi được thì nên xem xét việc hưởng hưu và hướng chế độ. Cứ đóng đủ 25 năm BHXH thì cho hưởng chế độ, khi nào đủ tuổi thì hưởng lương hưu.
Nguyễn Khánh Khoa đề nghị cơ quan soạn thảo cần khảo sát thật kỹ mới đưa ra dự thảo, cụ thể phải khảo sát kỹ về người lao động sau tuổi 45 mới tham gia BHXH không, tỉ lệ khoảng bao nhiêu? Bạn đọc Trần Văn Hào quả quyết: "Chả có ai đi làm để tham gia bảo hiểm xã hội ở tuổi 45 nữa mà toàn thấy các doanh nghiệp tìm cách để sa thải những người đã ở độ tuổi 45 đến 47 không vì ở độ tuổi này mắt đã mờ chân đã chậm".
Theo báo người lao động