Quản trị nhân sự: 3 kỹ năng cần thiết khi làm sếp mà nhân viên luôn “ao ước”
Để được “tuyển”, ứng viên đòi hỏi phải có kỹ năng, nhưng có “dụng” và “giữ” được nhân viên hay không, lại đòi hỏi kỹ năng ở nhà quản trị. Có một số kỹ năng mà khi làm sếp nhân viên thật sự rất quan tâm.
Quản trị nói riêng và lãnh đạo nói chung không phải khái niệm dành riêng cho người “sinh ra để làm lãnh đạo”, bởi cả hai đều là “sự phát triển” chứ không phải “sự khám phá”. Đương nhiên, vẫn có các nhà lãnh đạo “bẩm sinh”, song để thực sự trở thành nhà lãnh đạo “xuất sắc”, kiến thức cùng kỹ năng là 2 thứ luôn cần được trau dồi, phát triển và rèn luyện liên tục.
Chuyện người huấn luyện viên mới
Có một câu chuyện ngắn hài hước, nhưng đáng suy ngẫm như sau: Trong suốt cuộc họp của phòng kinh doanh, người quản lý luôn miệng trách móc và chỉ trích các nhân viên dưới quyền về doanh số bán hàng sút kém.
“Tôi không hiểu sao mình lại có một đội ngũ nhân viên làm việc đáng thất vọng, lại hay lấy lý do để biện minh và bào chữa như thế này. Nếu anh chị nhắm không làm được nữa, thì tôi nói luôn, có rất nhiều người khác đang muốn nhảy vào vị trí đó để được hưởng quyền lợi như của anh chị”, ông nói.
Quay sang một nhân viên mới, vốn là cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, vị sếp hỏi: “Nếu một đội bóng không thể giành chiến thắng, thì người ta sẽ làm gì? Sẽ thay cầu thủ đá không tốt ra khỏi sân, đúng không?”
Sau vài giây im lặng, cựu cầu thủ ấy trả lời: “Thưa sếp, nếu toàn đội có vấn đề, thì thường chúng tôi sẽ đi tìm một huấn luyện viên mới”.
Diễn giả, chuyên gia tư vấn kinh doanh Marcus Buckingham – CEO của The Marcus Buckingham Company – công ty tư vấn nhân sự cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như Facebook, Toyota, Coca-Cola, Wells Fargo, nói: “Người ta bỏ sếp, chứ không phải bỏ công ty”. Có thể nói, sếp tồi, bất luận ở cấp trung hay cấp cao, là một trong các tác nhân gây thiệt hại nghiêm trọng nhất và là mối đe doạ số một đối với công ty.
Nhân viên bỏ sếp, chứ không phải bỏ công ty
Và, tác động tiêu cực từ một người quản lý như vậy không thể được đong đếm bằng con số như KPI, hay có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng. Một nghiên cứu năm 2017 cho biết, 56% công nhân Mỹ nói họ có những người quản lý độc hại. Theo một khảo sát từ Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ ghi nhận 75% người Mỹ nói sếp của họ là điều căng thẳng nhất trong một ngày làm việc của mình.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Gallup cho thấy, cứ 1 trong 2 nhân viên bỏ việc tại một thời điểm nào đó là để “chạy trốn” khỏi quản lý của mình. Thế nên, như lời của Buckingham, “người ta bỏ sếp, chứ không phải bỏ công ty”; nhân viên rời khỏi những nhà quản lý tồi, thiếu kỹ năng và nghỉ việc tại các công ty tạo điều kiện cho những người như vậy “làm vương làm tướng”.
Vậy, đâu là nguyên nhân và hướng giải quyết? Theo Tony Lee – Phó tổng thư ký của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực (Society for Human Resource Management – SHRM) tại Mỹ, một trong những khó khăn gián tiếp tạo nên một quản lý tồi là thiếu hụt nhân sự.
“Các công ty đang đẩy nhanh tốc độ thăng tiến hơn vì họ cần đủ nhân lực cho các vị trí còn trống, và nhiều trong số các vị trí này là người lần đầu làm quản lý. Chỉ vì ai đó giỏi công việc của họ, không có nghĩa là họ cũng giỏi quản lý người khác. Công việc này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác nhau, song rất ít trong số họ được đào tạo và hướng dẫn bài bản”.
Không may thay, nhân viên lại là người lãnh đủ. Theo một cuộc khảo sát gần đây của SHRM, 84% nhân viên cho rằng, quản lý của họ chính là người tạo ra áp lực không cần thiết. Bên cạnh đó, cuộc khảo sát này cũng thu thập ý kiến về các kỹ năng mà một người sếp cần làm để quản trị nhân sự. Và, dưới đây là 3 kỹ năng quan trọng mà nhân viên luôn ước ao sếp mình có.
1. Giao tiếp hiệu quả
Theo SHRM, kỹ năng được nhân viên trông chờ nhiều nhất ở sếp là làm sao giao tiếp hiệu quả, chiếm tỷ lệ 41% trong khảo sát. “Giao tiếp luôn là một yếu tố then chốt” Lee nói. Trên thực tế, tỷ phú Warren Buffett tại một buổi toạ đàm đã từng nói rằng, một trong các chìa khoá thành công nằm ở việc làm chủ kỹ năng giao tiếp hiệu quả.
“Một trong những cách đơn giản để nhân hiệu của bạn được cải thiện ít nhất 50% so với thời điểm hiện tại, nằm ở việc trau dồi, mài giũa kỹ năng giao tiếp, bao gồm cả kỹ năng nói lẫn kỹ năng viết”, Buffett nói.
“Nếu bạn giao tiếp kém, thì nó chẳng khác gì việc đứng trong bóng tối mà cố ‘liếc mắt đưa tình’ với một cô gái cả. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra sau đó hết. Bạn có thể là người vô cùng thông minh, nhưng vấn đề là bạn có thể truyền tải được sự thông minh đó hay không. Và, sự truyền tải ấy chính là giao tiếp”, vị tỷ phú phân tích.
Để trở thành người giỏi giao tiếp, làm sếp cần xây dựng kỹ năng lắng nghe và thấu cảm, Tim Ringo – tác giả sách Solving the Productivity Puzzle (tạm dịch: Lời giải cho Bài toán Hiệu suất), nhận xét. “Điều này đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện tại, khi mọi người đang phải chịu áp lực tinh thần nặng nề bởi hàng loạt sự cố (Covid-19…) trong năm”, Ringo nói.
“Các sếp sở hữu kỹ năng giao tiếp hiệu quả sẽ nghiễm nhên trở thành ngôi sao sáng cho các năm tiếp theo. Ngược lại, nếu không có kỹ năng này, thì đã đến lúc phải phát triển nó, và phải làm điều đó thật nhanh”, ông bổ sung.
2. Phát triển và đào tạo đội ngũ
Trong khi làm việc, nhân viên sẽ muốn biết về lộ trình thăng tiến của bản thân để có thể nỗ lực đạt được mục tiêu kế tiếp. Trên thực tế, 38% tham gia khảo sát của SHRM bày tỏ mong muốn rằng, sếp của mình có thể hỗ trợ như vậy. “Nhân viên đang nói rằng, ‘hãy phát triển và đào tạo tôi, không thì tôi sẽ rời đi đấy'”, Lee cho biết.
Theo Nicholas Whittall – Giám đốc Điều hành khối Nhân sự và Tổ chức/Tiềm năng Con người thuộc Accenture, đào tạo cùng trang bị cho nhân viên các công cụ cần thiết để thành công đang đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
“Hiện, các kỹ năng mới gắn liền với sự sáng tạo, tư duy phản biện, trí thông minh xã hội và cảm xúc ngày càng cho thấy vai trò quan trọng. Những nhà lãnh đạo có khả năng đào tạo đội ngũ, để cân bằng giữa nhu cầu được phát triển ngày một tăng của nhân viên và các thử thách mà doanh nghiệp đang đối mặt, sẽ là những người viết nên câu chuyện thành công”, Whittall nói.
“Thông qua trò chuyện, các sếp sẽ biết nhân viên đang cần hỗ trợ điều gì, và cần phát triển kỹ năng nghề nghiệp gì. Từ đó, có thể thiết kế dự án và giao nhiệm vụ phù hợp để cải thiện khả năng, cũng như đối thoại với nhân viên về mong muốn phát triển sự nghiệp. Quy trình đào tạo và phát triển dựa trên nhu cầu của từng người như trên sẽ giúp nhân viên cảm thấy họ được ủng hộ và được lắng nghe từ chính sếp của mình”, Vanessa Matsis-McCready – Trưởng ban Cố vấn, Giám đốc Nhân sự Engage PEO – một công ty chuyên cung cấp dịch vụ nhân sự.
Về tầm quan trọng của phát triển và đào tạo nhân sự, tỷ phú Henry Ford nói như sau: “Điều tồi tệ hơn cả việc đào tạo nhân viên và để họ bỏ đi, chính là không đào tạo mà vẫn giữ họ ở lại”. Hãy nhớ rằng, sếp không phải người trực tiếp xây dựng doanh nghiệp, mà xây dựng con người, và sau đó mọi người mới xây dựng doanh nghiệp. Chẳng đào tạo gì cho nhân viên nhưng lại mong họ cống hiến hiệu quả chỉ chứng minh bạn là sếp vứt đi.
3. Quản lý thời gian và giao việc
Kỹ năng thứ 3 được các nhân viên ước ao sếp mình có là quản lý thời gian hiệu quả. Khi sếp không biết quản lý thời gian, họ thường sẽ làm những việc mà đáng ra nên giao cho nhân viên. Theo SHRM, 37% nhân viên cho rằng đây là một vấn đề, và họ muốn sếp giao việc cho họ hiệu quả hơn.
“Nghe có vẻ lạ khi nhân viên nói rằng, ‘hãy giao cho tôi thêm nhiều việc đi’, nhưng thực chất họ lại đang hàm ý rằng, ‘sếp đang bỏ mặc tôi ngoài luồng công việc, và không giao các việc quan trọng để tôi làm”, Lee nói.
Theo Matsis-McCready, kỹ năng giao việc, trao quyền hợp lý và hiệu quả là một trong các kỹ năng quan trọng mà nhà quản lý nên học hỏi. “Rất dễ để sa đà vào thói quen cũ là cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng, nhưng nếu như vậy, người quản lý đang tự hại chính mình lẫn đồng đội trong nhóm”, McCready nói. Bà cũng bổ sung rằng, nếu rơi vào tình trạng vừa nêu, người quản lý chỉ đang tốn thời gian làm việc mà đáng lẽ ra phải giao cho người khác và đồng thời tước mất quyền được trải nghiệm của nhân viên.
Có thể nói, sếp giỏi là người biết truyền đạt tầm nhìn của tổ chức một cách rõ ràng, và chỉ can thiệp vào các quyết định của nhân viên khi cần thiết, để đảm bảo chúng không mâu thuẫn hay xung đột với tầm nhìn. Ngược lại, nếu không có kỹ năng quản lý thời gian và giao việc hiệu quả, thì không chỉ con đường phát triển, sự nghiệp của nhân viên bị cản trở, mà hiệu suất làm việc lẫn tính sáng tạo của họ cũng giảm sút.
Theo Doanh nhân Sài Gòn